trả thù được cho Moskva bị Napoleon đốt cháy và cho tất cả những
người của chúng ta đã ngã xuống ở Borodino.
Tôi buồn bã lững thững dọc phố Varenne, bị giày vò vì tủi nhục.
Thật kinh khủng kiếp lưu vong. Cái ấy biến anh thành tổng lãnh sự
Pháp, giải thưởng Goncourt, nhà ái quốc được thưởng huân chương,
người theo phái de Gaulle, phát ngôn nhân của phái đoàn Pháp tại
Liên Hiệp Quốc. Kinh khủng. Một cuộc đời tan vỡ. Tôi lấy chiếc mùi
soa lụa mua ở cửa hàng Hermès và lau nước mắt. Hơi cay đấy mà. Tôi
lang thang trên đại lộ Saint-Michel, ngực trưng đầy huân chương.
Đám sinh viên bịt mũi tránh đường tôi đi.
Trải nghiệm đẹp đẽ nhất của Paris cách mạng chờ tôi ở sân
trường Sorbonne nơi tôi đến với mớ huân chương tư sản trên ngực và
lối ăn mặc lịch lãm, cũng chính bởi cái ý thích khiêu khích khủng bố
từng kích động những kẻ đã ném vào mặt tôi những lời giễu cợt. Thất
vọng: người ta đón tôi lạnh nhạt nhưng lễ độ. Một số sinh viên nhận ra
một kẻ thù của nhân dân quen biết và cuộc tranh luận bắt đầu. Người
ta tấn công tôi về chuyện Malraux
, báo chí đã viết rằng tôi được ông
ta bố trí như là “bộ hạ” của ông ta bên cạnh bộ trưởng Bộ Thông tin.
Tôi bảo họ là họ nói đúng đấy. Tội lỗi của Malraux là hiển nhiên rồi.
Từ năm 1936, ông đã sáng tạo ra Che Guevera, Tchen, chàng “vệ binh
đỏ” đầu tiên, và Régis Debray trong các tiểu thuyết của ông; và từ năm
1960 ông lập ra các nhà văn hóa nơi đã nảy sinh “cuộc tranh chấp”.
Tóm lại, như anh chàng Maurice Clavel nhạy cảm đã viết trong tờ
Combat, Malraux là “một gã bất tài cũ kỹ nhuốm màu sắc của một tên
khốn nạn”.
Tất cả lý lẽ của tôi đều vững chắc và lý lẽ của các anh đều điên
loạn, nhưng chính các anh có lý. Để nhận ra điều này, chỉ cần giở tờ
Le Figaro số ra ngày 24 tháng Bảy 1968. Dưới nhan đề “Cuộc du
hành đến tận cùng của ghê rợn trong các trại nơi người tị nạn chết
dần chết mòn vì đói”, các anh sẽ tìm thấy một bài viết kinh khủng của