khá kỳ cục của một anh chồng thấy vợ để tâm đến những nỗi khổ của
đất nước nhiều hơn là những gì xảy ra trong nhà mình.
Có tiếng gọi cửa và tôi ra mở. Đó là hai đứa trẻ, một gái một trai,
tầm bảy hoặc tám tuổi, rất đáng yêu, với cái vẻ thiên thần tóc vàng của
bọn trẻ con Mỹ.
- Excuse us, sir. Fido có ở đây không ạ?
- Không, Fido không có ở đây.
Tôi lao về phía tủ lạnh và quay trở lại với một mớ bánh sô cô la
hạnh nhân mà tôi bị buộc phải kiêng nhưng vẫn để đấy để nhìn cho
sướng mắt.
- No, thank you, sir.
Rất khoái, tôi chén luôn.
Hai đứa trẻ nhìn nhau rồi nhìn tôi nghiêm khắc với cái vẻ đáng bỏ
tù năm năm, không được hưởng án treo.
- Ở Hội bảo vệ động vật, người ta bảo đúng là Fido ở chỗ ngài.
Tôi bắt đầu hiểu ra Fido là ai, vừa lúc một chiếc Chevrolet đến đỗ
trước nhà tôi và một người đàn ông bước ra, đã có tuổi, gầy và khô,
mái tóc muối tiêu giống như lão già mà chúng ta từng thấy cách đây
bốn mươi năm đang nhảy qua dãy hàng rào trên tấm biển quảng cáo
“Sels Kruschen, mùa xuân vĩnh cửu”, và tôi vui mừng nhận ra là bây
giờ vẫn còn sống và vẫn cường tráng như xưa. Ông ta nhẹ nhàng băng
qua bãi cỏ. Đến bảy mươi tuổi rồi chẳng chơi, trông những nếp nhăn
trên khuôn mặt rám nắng, vui vẻ, cởi mở kia thì rõ. Nhìn cái thân hình
mặc áo sơ mi ca rô đỏ Pendleton kia, có thể đoán ra một cuộc sống
hạnh phúc lâu dài, một chuyến về hưu đàng hoàng, nhiều tiền tiết
kiệm, đã trả được tất cả các quyền cầm cố, bảo hiểm Blue Cross, lại cả
thú đi câu cá và đi săn vịt trời. Ông ta đứng vào giữa hai đứa bé, mỗi
tay đặt lên vai một đứa...
- Good afternoon, Sir... Ở Hội bảo vệ động vật, người ta bảo
chúng tôi là cách đây ba tuần ngài có nhận một con chó hình như
chính là con chó của chúng tôi. Một con béc giê Đức, có một nốt mụn