Lão ta đứng dậy. Đôi bàn tay to bè, chai sạn của lão lại đặt lên hai
đứa bé tóc vàng, dáng vẻ che chở. Lão là một người ông tuyệt vời, cái
lão khốn nạn ấy.
Nhưng điều kinh khủng nhất, là ở chỗ lão không phải một tên
khốn nạn. Mà là một người tử tế.
- Chúng tôi sẽ tìm một luật sư, lão bảo.
- Xin ngài cứ việc. Rồi xin báo lại cho tôi biết ông ta định làm gì.
Vợ tôi tiễn lão ra tận cửa. Tính hiếu khách kiểu Mỹ. Rồi cô quay
vào, quàng tay ôm lấy cổ tôi, kề má vào mái đầu tôi. Chúng tôi đứng
vậy một hồi lâu, chẳng nói gì với nhau. Rồi tôi đã phạm sai lầm khi
lên lớp cho cô cái bài học vô vị của mình về sự chín chắn, nghĩa là sự
chán chường.
- Jean ạ, em hãy vứt bỏ mọi thứ đi. Em không thể tìm được
những người chân chính đâu, họ ở ngoài tầm với của chúng ta, họ là
hàng triệu, hàng triệu, còn những bọn khác, những bọn rỏm, những
bọn giả trá, những bọn chuyên lo cho nỗi đau khổ của người khác, thì
quá buồn, quá đáng nản lòng. Có một rào cản không phải là rào cản về
màu da, nhưng cũng không thể vượt qua như vậy, đó là rào cản do cái
nghề nghiệp của em... Một nữ minh tinh điện ảnh, dẫu là chân thật
nhất, tận tâm nhất, lương thiện đến tận cùng nhất, khi cô ta chạm đến
một nỗi đau lớn của xã hội, một vết thương thật sự, tức thì mọi thứ sẽ
biến thành... biến thành minh tinh màn bạc. Em thường xuyên bị vây
bủa bởi quá nhiều quảng cáo và nhiều bọn chụp ảnh nên công chúng
khó có thể thấy trong tất cả những gì em làm một cái gì khác hơn là
một lối tìm cách quảng cáo, một lối tạo dáng để chụp ảnh... Hoặc là
phải vứt bỏ điện ảnh đi, phải xuống tận đáy sâu mà âm thầm làm việc,
nhưng ở đấy trong những kẻ vây quanh em lại chẳng có kẻ nào cần em
cả, bởi chúng chỉ quan tâm đến các minh tinh màn bạc thôi...
- Em biết và em chẳng thèm quan tâm... Nhưng còn có ngôi
trường... Còn ba chục đứa trẻ không thể bỏ rơi. Bill Fisher vẫn gửi đến
cho chúng ta từ Marshalltown một tờ séc năm nghìn đô và...