câu nói tiên tri của anh ta, hồi 1951, khi nhét đầy người thuốc penicilin
- mạo hiểm nghề nghiệp mà -, anh ta gào lên, tại cuộc triển lãm
Picasso: “Sớm hay muộn rồi bọn trẻ cũng sẽ xử lý cái xã hội này đúng
như Picasso xử lý hiện thực: xé nát nó ra từng mảnh...” Xin chúc sức
khỏe bạn! Hai cậu con đầu của anh ta là anh em sinh đôi, một cậu
sống ở nhà tôi, trốn ở đấy thì đúng hơn, trong phòng dành cho cô hầu
gái.
Bạn có để ý hầu như không bao giờ thấy trẻ sinh đôi da đen? Ấy
là vì đối với bạn tất cả những người da đen đều là sinh đôi, dưới mắt
bạn giống nhau đến nỗi bạn thấy họ như nhau cả.
Tôi nhận được điện thoại của Red lúc ba giờ, qua đường liên lạc
Los Angeles. Ngài Washington, thị trưởng thành phố Washington, ra
lệnh thiết quân luật từ bốn giờ ba mươi. Tôi còn vừa đủ thời gian.
Tôi nhận ra giọng nói nhiệt thành, bất chấp bao năm đã trôi qua...
- Anh không thể đến đây một mình đâu, pale face, mặt trái ạ.
- Red, tôi nhất thiết phải gặp anh.
- Ngay bây giờ à?
- Ngay, bởi vì đúng là lúc này... tôi chẳng có gì đặc biệt để nói
với anh cả: tức là thật sự hết sức cần thiết.
- Được rồi, tôi sẽ phái mấy tay đến đón anh.
Âm sắc Mỹ đã trở nên rõ nét hơn, nhưng Pigalle vẫn còn đó.
Tôi chờ đón hai chàng khổng lồ. Hai cậu thiếu niên mảnh khảnh
đến trong một chiếc Chevrolet tồi tàn. Mười lăm, hay mười sáu tuổi?
Nhưng rõ ràng là họ rất được việc, vì trên đường đi, mấy anh chàng da
đen trẻ tuổi áp sát chiếc xe, tay cầm chai xăng, liền dãn ra ngay khi
nghe thấy mấy từ ngày nay đang vang lên khắp nước Mỹ: “Linh hồn
anh em đây.” Những linh hồn anh em. Thật lý thú, việc cái từ “linh
hồn” ấy đã thâm nhập vào ngữ vựng da đen Mỹ. Trạm linh hồn: trạm
phát thanh của người da đen cho người da đen. Âm nhạc của linh hồn:
âm nhạc của người da đen. Nên nhớ rằng từ “linh hồn” là để chỉ những
người nông nô ở Nga cho đến 1860, năm giải phóng nông nô. “Linh