Anh ta nói, bình thản:
- Cuối cùng, chính chúng ta sẽ phải dạy dỗ lại chúng nó.
Anh ta lắc đầu, chán nản.
- Dẫu sao, cũng quá đáng... Cái chuyện định tưới xăng lên con
chó rồi châm lửa... Tội nghiệp Jean, cô ấy đã khóc...
Tôi không hiểu anh ta nói chuyện gì, nhưng không phải lúc đặt
câu hỏi. Không phải ngày nào người ta cũng có dịp nhìn thấy nền văn
minh nổ tung chính ở nơi nó đạt đến cực điểm hùng mạnh và giàu có.
Đám cảnh sát được trang bị vũ khí trò chuyện, hút thuốc và cười đùa
trong những xe bánh xích của họ trong khi tủ kính các cửa hàng bị đập
bằng gậy sắt cứ vỡ tung.
Khi một làn sóng bạo lực phân biệt chủng tộc bùng cháy đến cực
điểm thì điều đập vào mắt người ta ngay lập tức là cái khía cạnh “ai
biết phận nấy”. Bọn cướp của đủ mọi lứa tuổi đụng đầu nhau chửi
nhau trong khi giành giật mồi. Các bà nội trợ ra vẻ đi chợ mua hàng
trong mớ hỗn độn các quầy hàng bị đạp đổ. Các bà chủ gia đình cũng
đi chợ một cách biết điều, chọn những sản phẩm cần thiết nhất, sau khi
đã cân nhắc chán chê, ngay trước mũi cảnh sát đã được lệnh để cho họ
cứ tự do.
Cái cuộc đổ xô đi cướp bóc ấy là câu trả lời tự nhiên của vô số
người tiêu dùng mà cái xã hội kích động tìm mọi cách xúi giục họ mua
nhưng lại không cho họ những phương tiện để có thể mua. Tôi gọi là
“xã hội kích động” tất cả những xã hội sung túc và bành trướng về
kinh tế đang lao mình vào việc phô bày thường xuyên sự giàu có của
nó và thúc đẩy người ta tiêu thụ và sắm sanh bằng quảng cáo, bằng các
tủ kính xa hoa, bằng các hàng bày đầy cám dỗ, trong khi bỏ lại bên lề
một bộ phận quan trọng dân chúng mà nó kích động ham muốn thỏa
mãn những nhu cầu có thật hay giả tạo của họ, đồng thời lại không cho
họ những phương tiện để thỏa mãn sự thèm muốn đó. Làm sao có thể
ngạc nhiên khi một thanh niên da đen ở khu ổ chuột, bị vây quanh bởi
những xe Cadillac và các cửa hàng sang trọng, bị tống đầy đầu qua