cho bộ phận điều hòa không khí (rất đáng được coi trọng khi ở trong
một thành phố ngày nào cũng nóng như lò nướng bánh và tạo cảm
giác là đang sống bên dưới luồng khí rừng rực thoát ra từ các động cơ
phản lực đang lướt trên đường bay). Xe hơi gắn máy lạnh rất cần thiết
vì khi đóng cửa kính lại, ta có thể tránh được tiếng ồn và ô nhiễm (có
ba trăm nghìn chiếc xe chạy bằng diesel ở Beyrouth, và mỗi chiếc gây
ô nhiễm gấp tám trăm lần một chiếc tương tự ở châu Âu do chất lượng
xăng dầu đang được sử dụng ở đây và bởi cả sự hao mòn cũ kỹ của
các động cơ...).
Ngoài ra, câu chuyện động cơ này còn làm phiền tôi ở mức cực
điểm, vì xe tôi chẳng giống các xe khác, và do oách hơn nên cũng có
cái giá của nó!...
Tôi thường thích một chiếc xe hợp với những thứ đang được bán
ngoài thị trường, tính đi tính lại sẽ lợi hơn, vì chỉ cần xe hơi khác kiểu
một chút là phải trả cao hơn nhiều. Ví dụ tôi thích xe Mercedes, đơn
giản là bởi đó là loại xe dân Liban thích vì nó rất bền, bởi chẳng khó
khăn gì khi tìm phụ tùng thay thế, bởi nó không bị xuống giá nhanh,
bởi ở đây có câu cửa miệng “một con Mẹc, đó là vàng”...
Chưa kể, tôi ủng hộ cho đội bóng của Đức cũng là do những chiếc
Mercedes: khi người ta sản xuất ra những chiếc xe như thế thì người ta
không thể nào đá thua, nếu không thì nhục chết đi được!
Điều thứ hai mà tôi phát hiện ra đã không chỉ khiến tôi buồn phiền
mà còn làm hỏng đời tôi, đó là những chiếc đĩa phanh (hay những
“chiếc gương” như phần lớn các thợ máy ở đây vẫn gọi). Một hôm,
đĩa phanh bị nóng rực vì bị sử dụng tối đa và tỏa ra một chút khói
cùng một mùi khó chịu, tôi đã mang xe đến chỗ sửa. Ông thợ máy giải
thích rằng cần phải đổi đĩa phanh, rằng chúng đã bị mòn quá rồi,
nhưng không mua được ngoài chợ đâu vì đó là một model của Mỹ.
“Cách duy nhất là gọi đến nơi sản xuất.” Ở tất cả các xưởng sửa xe
hiệu này, người ta đều nhắc lại với tôi rằng xe của tôi mang từ Mỹ về,