Thế đấy, nhờ một số mối quen, Rafic đã “tình cờ” gặp một doanh
nhân người Ả Rập Xêút khoảng tứ tuần đang tìm cách đầu tư vào
Liban một phần vốn liếng mà ông ta từng dùng để làm ăn ở Mỹ. Vì
ông ta không biết rõ Liban nên Rafic đã giúp ông ta một số việc và
giúp cả một trong mấy cô bạn gái của cậu ta thời đại học. Từng là học
sinh trường dòng, Rafic quả là đã tốt nghiệp đại học Saint-Joseph danh
tiếng. Doanh nhân kia đem lòng yêu nàng cựu nữ sinh và để người
tình được ăn ở “đàng hoàng”, ông ta đã thuê cho nàng một căn hộ, một
cách bí mật (trong thực tế, với cả dân Ả Rập Xêút lẫn chúng ta, theo
đúng truyền thống bảo thủ của cả hai bên, luật pháp và dư luận nghiêm
cấm mọi quan hệ ngoài luồng). Ông ta sang Liban mỗi tháng hoặc gần
như thế. Bên Ả Rập Xêút, ông ta đã có vợ và sáu con, và không có ý
định chia tay với người vợ xuất thân từ một gia đình cực danh giá,
cũng như những đứa con mà ông ta rất yêu... Người tình Liban không
phải là không biết gì về tình phụ tử - còn là một quyền không thể tước
bỏ, cũng như về dòng dõi danh tiếng và tôn kính kia... Là người thực
tế, cuối cùng nàng đã tìm được sự đồng thuận với người đàn ông mà
nàng thương yêu “thực lòng”. Đó là một chia sẻ giữa hai bên, vì ông ta
không bao giờ tỏ ra hà tiện: chu cấp hằng tháng khoảng vài ba nghìn
đô, chưa kể tiền thuê căn hộ.
Rafic đã kể với tôi rằng mẹ cô bạn gái của cậu ta cũng sống trong
căn hộ đó.
“Thế bà ấy đi đâu khi ông kia đến?”
Rafic không trả lời câu hỏi của tôi.
Cậu ta cũng kể rằng cô bạn gái của mình đã có thai với ông bạn
doanh nhân Ả Rập Xêút và chính cậu ta là người đã giúp nàng nạo thai
bằng cách dàn xếp một khoản kha khá để đưa nàng tới bác sĩ.
“Đúng là tôi đã thông cảm mà làm vụ này,” ông bác sĩ nói, “nhưng
dù sao đó cũng là việc trái luật pháp, và dưới con mắt của nhiều người
thì nó cũng đáng trách về mặt đạo đức...”