Tại sao ông lại quan tâm đến câu chuyện đó?
Ông đã cảm thấy liên quan tới mức ra tận phố Hamra để mua sách
(một việc có thể nói là ông không bao giờ làm)? Ông quen với cậu nhà
văn kia?
Tôi không nghĩ rằng khi trẻ, cha tôi lại có tóc màu vàng như Souheil
Idriss miêu tả, nhưng một điều chắc chắn: cha tôi và gia đình ông từng
sống ở khu phố mà cuốn tự truyện kia đề cập.
Trước đây, tôi không có cảm tưởng cha tôi đã đau khổ vì những vấn
đề kiểu này. Thực ra, tôi không nghĩ là ông từng quan hệ một người
đàn bà nào khác ngoài mẹ tôi, và chẳng ai kể tí gì cho tôi về chuyện
này hết. Cũng như cho anh trai hay em gái tôi. Còn mẹ tôi cũng không
bao giờ phàn nàn về chuyện đó, cả trước mặt hai thằng con trai lẫn
đứa con gái. Nếu có cảm giác cha tôi sống hai mặt, bà sẽ không để ông
tự do đêm ngày như thế.
Trong thực tế, cha tôi hoàn toàn “tận tụy” với mẹ tôi, không phải vì
nghĩa vụ mà vì bản tính, hay thói quen, hay yếu ớt, hoặc một trong
những lý do kiểu như vậy. Dù thế nào cũng không phải vì nghĩa vụ
hay cái gì gần gần thế.
Ít lâu sau cái chết của mẹ tôi, chúng tôi nghe đồn là ông có quan hệ
với một phụ nữ khoảng ba mươi tuổi sống gần nhà. Đầu tiên, người ta
kể là cha tôi hay đến một địa điểm mà cô ta cũng thường đến, cửa hiệu
ở dưới chân tòa nhà chúng tôi ở, và họ gọi điện cho nhau liên miên.
Em gái tôi trách tôi đã quá để tâm tới những chuyện ngồi lê đôi mách
ấy, nó cho như thế là không tử tế với cha lắm. Nhưng tôi khăng khăng
giữ thái độ. Vì cả nó lẫn tôi. Để hiểu cội nguồn vấn đề, tôi xin hóa đơn
điện thoại chi tiết. Có một số điện thoại thường xuyên xuất hiện vào
khoảng sáu giờ tối. Một lần, tôi gọi đến, cũng vào tầm đó. Một giọng
phụ nữ nói a lô. Tôi hỏi ai đang ở đầu dây bên kia.
“Ai đấy,” cô ta hỏi lại, “ông là ai?”
“Tại sao cô lại trả lời?”