cách căn bản, đến tận gốc như thế cái lâu đài bình đẳng của chính ông ta thì
chúng ta còn đòi hỏi ông ta cái gì hơn nữa ?
Nhưng nếu như chúng ta đã thanh toán được cách lý giải nông cạn và ngu
xuẩn của ông Đuy-rinh về quan niệm bình đẳng, thì điều đó không có nghĩa
là chúng ta đã thanh toán xong được bản thân cái quan niệm ấy, cái quan
niệm đã đặc biệt nhờ Rouseau mà có được một vai trò lý luận, còn trong và
sau cuộc Đại cách mạng thì có được một vai trò thực tiễn và chính trị và
cho đến ngày nay vẫn còn giữ một vai trò cổ động quan trọng trong phong
trào xã hội chủ nghĩa của hầu hết các nước. Việc xác lập nội dung khoa học
của quan niệm ấy cũng sẽ quyết định giá trị của nó đối với công tác cổ
động của giai cấp vô sản.
Cái quan niệm cho rằng tất cả mọi người, với tư cách là con người, đều có
một cái gì chung, rằng trong phạm vi cái chung đó mọi người cũng đều
bình đẳng, dĩ nhiên là một quan niệm rất cũ rồi. Những yêu sách hiện đại
về bình đẳng lại hoàn toàn khác với quan niệm đó; nói cho đúng ra yêu
sách đó đòi hỏi phải từ cái thuộc tính chung là con người, từ sự bình đẳng
của mọi người với tư cách là con người, rút ra cái quyền có một giá trị
ngang nhau về chính trị và xã hội cho tất cả mọi người, hay ít ra là cho mọi
công dân trong một nước, hay cho mọi thành viên trong một xã hội. Muốn
từ quan niệm ban đầu ấy về sự bình đẳng tương đối, rút ra cái kết luận về
một quyền bằng đẳng trong một nước và trong một xã hội, muốn cho kết
luận đó thậm chí có thể xuất hiện như là một cái gì tự nhiên, hiển nhiên, thì
phải trải qua hàng mấy nghìn năm, và trên thực tế mấy nghìn năm đã trôi
qua. Trong những cộng đồng xưa nhất, những cộng đồng nguyên thuỷ,
nhiều lắm cũng chỉ có thể nói về quyền bình đẳng giữa những thành viên
của cộng đồng ; lẽ dĩ nhiên phụ nữ, nô lệ, người ngoại lai đều không có
quyền đó. Ở Hy-Lạp và Rô-ma, những sự bất bình đẳng giữa người và
người có một ý nghĩa quan trọng nhiều hơn bất cứ một sự bình đẳng nào.
Người thời cổ sẽ coi là điên rồ cái ý kiến cho rằng người Hy-lạp và người
dã man, người tự do và nô lệ, công dân và dân bị bảo hộ, công dân Rô-ma
và thần dân Rô-ma (hiểu theo nghĩa rộng) đều có thể đòi hỏi một giá trị
chính trị ngang nhau. Dưới Đế quốc Rô-ma, tất cả những sự phân biệt ấy