cho nhau, cái lúc này và ở chỗ này là nguyên nhân thì lúc khác và ở chỗ
khác lại là kết quả và ngược lại.
Tất cả những quá trình ấy và tất cả những phương pháp tư duy ấy không
nằm trong khuôn khổ của tư duy siêu hình. Trái lại, đối với phương pháp
biện chứng là phương pháp xem xét những sự vật và những phản ánh của
chúng vào tư duy chủ yếu là trong mối liên hệ qua lại của chúng trong sự
móc xích của chúng, trong sự vận động của chúng, trong sự phát sinh và
tiêu vong của chúng - thì những quá trình như những quá trình nói trên chỉ
là những điều chứng thực cho phương pháp nghiên cứu của bản thân nó mà
thôi. Giới tự nhiên là hòn đá thử vàng đối với phép biện chứng, và cần phải
nói rằng khoa học tự nhiên hiện đại đã cung cấp cho sự thử nghiệm ấy
những vật liệu hết sức phong phú và mỗi ngày một tăng thêm, và do đó đã
chứng minh rừng trong tự nhiên, rút cục lại, mọi cái đều diễn ra một cách
biện chứng chứ không phải siêu hình. Nhưng vì cả cho đến nay, có thể đếm
trên đầu ngón tay con số những nhà nghiên cứu tự nhiên đã học được cách
suy nghĩ một cách biện chứng, cho nên sự xung đột giữa những kết quả đã
đạt được và phương pháp tư duy lâu đời hoàn toàn giải thích được tình
trạng hết sức lẫn lộn hiện nay đang thống trị trong ngành khoa học tự nhiên
lý thuyết khiến cho cả thầy lẫn trò, cả người viết lẫn người đọc, đều tuyệt
vọng.
Như vậy, một quan niệm đúng đắn về vũ trụ, về sự phát triển của vũ trụ và
sự phát triển của loài người, cũng như về sự phản ánh của sự phát triển ấy
vào trong đầu óc con người chỉ có thể có được trên con đường biện chứng,
với sự chú ý thường xuyên đến những tác động qua lại phổ biến giữa sự
phát sinh và sự tiêu vong, giữa sự biến đổi đi lên và sự biến đổi thụt lùi. Và
nền triết học hiện đại Đức, ngay từ đầu, chính đã theo tinh thần đó. Kant đã
mở đầu sự nghiệp khoa học của ông bằng việc biến thái dương hệ cố định
của Newton và sự tồn tại vĩnh cửu của nó - sau khi đã có cái đẩy đầu tiên
nổi tiếng - thành một quá trình lịch sử: thành quá trình nẩy sinh của mặt trời
và tất cả mọi hành tinh từ khối tinh vân đang xoay. Đồng thời, ông đã rút ra
được cái kết luận là sự nẩy sinh của thái dương hệ đồng thời cũng giả định
sự tiêu vong tất yếu của nó trong tương lai.[7] Nửa thế kỷ sau, quan điểm