CHỐNG DUHRING - Trang 272

Thật là một sự độ lượng khó lòng đánh giá được hết khi ông Đuy-rinh, một
nhà tư tưởng sâu sắc hơn, nói chung rủ lòng lưu ý đến "một Petty"! Nhưng
ông ta đã chú ý đến Petty như thế nào?
Những luận điểm về Petty
"Lao động và thậm chí về thời gian lao động, coi đó là thước đo giá trị, thì
ở ông ta... người ta chỉ thấy những dấu vết không rõ ràng", - những luận
điểm ấy chỉ được ông Đuy-rinh nhắc đến trong câu này thôi, còn ngoài ra
thì không ở đâu thấy ông ta nhắc đến cả. Những dấu vết không rõ ràng !
Trong quyển "Treatise of Taxes and Contributions" (xuất bản lần thứ nhất,
năm 1662) Petty đã phân tích đại lượng giá trị của hàng hoá một cách hoàn
toàn rõ ràng và chính xác. Khi thoạt tiên ông lấy ví dụ về giá trị ngang nhau
của kim loại quý và của lúa mì đòi hỏi một lượng lao động như nhau, để
giải thích đại lượng giá trị, thì ông đã nói lên tiếng nói "lý luận" đầu tiên và
cuối cùng về giá trị của kim loại quý. Nhưng ông cũng nói một cách hết sức
rõ ràng và khái quát rằng giá trị của hàng hoá được đo lường bằng một lao
động ngang nhau (équal labour). ông đã áp dụng điều phát hiện của ông để
giải quyết những vấn đề khác nhau, đôi khi rất rối rắm, và ở một số chỗ -
trong nhiều trường hợp khác nhau và trong nhiều tác phẩm khác nhau -
ngay cả ở chỗ ông không nhắc lại luận điểm chủ yếu, ông cũng rút từ luận
điểm đó ra những kết luận quan trọng. Nhưng ông đã nói ngay trong tác
phẩm đầu tiên của ông:
"Tôi khẳng định rằng điều đó "(việc đánh giá bằng lao động ngang nhau)"
là cơ sở để san bằng và đo lường các giá trị; tuy nhiên, trong tất cả những
kiến trúc bên trên và trong việc áp dụng điều đó vào thực tiễn thì tôi thú
nhận rằng có một sự đa dạng và rối rắm rất lớn."
Như vậy là Petty đã ý thức được tầm quan trọng của điều phát hiện của
ông, cũng như sự khó khăn khi ứng dụng nó một cách chi tiết. Cho nên,
ông cũng cố tìm môt con đường khác để thực hiện một số mục đích chi tiết.
Cụ thể là phải tìm ra một quan hệ bình đẳng tự nhiên (a natural Par) giữa
ruộng đất và lao động, sao cho người ta có thể biểu hiện bất kỳ một giá trị
nào "bằng một trong hai cái đó, hay tốt hơn là bằng cả hai cái đó".
Ngay sự sai lầm đó cũng là sai lầm thiên tài.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.