Nhưng mặt khác, công xã cũng sẽ phải tạo cho những cá nhân riêng lẻ khả
năng mua của công xã những vật phẩm đã làm ra, bằng cách là công xã sẽ
trả hàng ngày, hàng tuần hàng tháng, cho mỗi người một số tiền nào đó,
giống nhau đối với tất cả mọi người, coi đó là cái ngang giá với lao động
của họ. "Vì vậy, xét theo quan điểm của xã hội xã hội chủ nghĩa, nói rằng
tiền công biến mất hay nói rằng tiền công bắt buộc phải trở thành một hình
thức duy nhất của các khoản thu nhập kinh tế, thì điều đó không quan
trọng". Nhưng những tiền công ngang nhau và giá cả ngang nhau đều tạo
nên "sự bình đẳng trong tiêu dùng, nếu không phải là bình đẳng về chất
lượng thì cũng là bình đẳng về số lượng"; và như thế là cái "nguyên tắc
công bằng phổ biến" đã được thực hiện về kinh tế.
Về việc quy định mức của thứ tiền công tương lai ấy, ông Đuy-rinh chỉ nói
với chúng ta rằng:
Ở đây cũng như trong tất cả mọi trường hợp khác, người ta trao đổi "lao
động ngang nhau lấy lao động ngang nhau". Như vậy là đối với một lao
động sáu giờ, người ta sẽ phải trả một số tiền cũng biểu hiện sáu giờ lao
động.
Tuy vậy, tuyệt nhiên không nên lẫn lộn "nguyên tắc công bằng phổ biến"
với cái chủ nghĩa bình quân thô lỗ làm cho nhà tư sản kịch liệt phản đối
mọi chủ nghĩa cộng sản, nhất là phản đối thứ chủ nghĩa cộng sản tự phát
của công nhân. Nguyên tắc công bằng phổ biến đó không đến nỗi quá
nghiệt ngã như bề ngoài ta tưởng đâu.
"Sự bình đẳng có tính chất nguyên tắc về các quyền kinh tế không hề gạt bỏ
cái tình hình là bên cạnh việc thỏa mãn những gì mà sự công bằng đòi hỏi,
sẽ còn có việc tự nguyện biểu hiện lòng biết ơn và lòng tôn kính đặc biệt.
Xã hội tự làm cho mình vinh dự, khi nó biểu dương những loại hoạt động
cao hơn bằng cách cấp cho chúng một khoản phụ gia vừa phải cho sự tiêu
dùng".
Và cả ông Đuy-rinh cũng đã tự làm cho bản thân mình vinh dự, khi ông ta
đem kết hợp sự ngây thơ của con chim bồ câu với sự khôn ngoan của con
rắn, và quan tâm một cách rất cảm động đến như thế đến sự tiêu dùng được
tăng thêm một cách vừa phải của các ông Đuy-rinh trong tương lai.