chính là vết rạn khổng lồ trong nguyên tắc tiêu dùng ngang nhau về số
lượng. Anh chàng chưa vợ sống đàng hoàng và vui vẻ với số tiền tám mác
hay mười hai mác hàng ngày của anh ta, còn người goá vợ với tám đứa con
thơ thì sống cùng quẫn với số tiền đó. Mặt khác, khi nhận một cách không
đắn đo mọi khoản tiền mà người ta trả, công xã tạo ra cái khả năng là số
tiền đó đã kiếm được bằng một cách khác chứ không phải bằng lao động
của bản thân. Non oler [1*]. Công xã không biết rõ tiền do đâu mà đến.
Nhưng như thế là người ta đã có đủ tất cả các điều kiện để khiến cho tiền
kim loại, từ trước đến nay vẫn chỉ đóng vai trò một thứ phiếu lao động, bây
giờ đã có một chức năng tiền tệ thật sự. Như vậy là có cơ hội và lý do, một
mặt, để tích trữ tiền, và mặt khác để mắc nợ. Người túng thiếu đi vay kẻ
tích trữ tiền. Đồng tiền đi vay về, được công xã nhận về khoản thanh toán
các tư liệu sinh hoạt, lại trở lại cái tình trạng của nó trong xã hội hiện nay,
tức là hiện thân có tính chất xã hội của lao động của con người, là cái thước
thực sự của lao động, là phương tiện lưu thông phổ biến. Tất cả các "luật
pháp và tiêu chuẩn hành chính" trên thế giới đều bất lực trước tình trạng đó,
cũng như đều bất lực trước bảng cửu chương hay trước thành phần hoá học
của nước. Và vì kẻ tích trữ tiền được phép đòi người túng thiếu phải trả lợi
tức, cho nên cùng với tiền kim loại hoạt động với tư cách là tiền thì tệ cho
vay nặng lãi cũng được phục hồi trở lại.
Cho tới đây, chúng ta chỉ mới nghiên cứu những hậu quả của việc duy trì
tiền kim loại ở trong lĩnh vực tác động của cái công xã kinh tế của ông
Đuy-rinh. Nhưng ở bên ngoài lĩnh vực tác động đó thì cái thế giới còn lại
đáng nguyền rủa vẫn tạm thời tiếp tục thản nhiên đi theo con đường cũ.
Trên thị trường thế giới, vàng và bạc vẫn là tiền thế giới, là phương tiện
mua và phương tiện thanh toán phổ biến, là hiện thân xã hội tuyệt đối của
của cải. Và với đặc tính đó của kim loại quý thì đối với các thành viên riêng
lẻ của công xã kinh tế cũng xuất hiện một động cơ mới để tích trữ tiền, để
làm giầu, để cho vay nặng lãi, tức là cái động cơ muốn vận động một cách
tự do và độc lập đối với công xã ở bên ngoài phạm vi của công xã; và đem
của cải riêng đã tích luỹ được ra thực hiện trên thị trường thế giới. Những
kẻ cho vay nặng lãi biến thành những kẻ buôn phương tiện lưu thông, thành