nguyên nhân nào đi nữa, nhưng tiền bao giờ cũng vẫn là cái công cụ mạnh
mẽ nhất để thúc đẩy những nguyên nhân ấy tác động vào các công xã. Và
chính cũng do tính tất yếu tự nhiên đó mà tiền, bất chấp tất cả các "luật
pháp và tiêu chuẩn hành chính", sẽ phải làm tan ra cái công xã kinh tế của
ông Đuy-rinh, nếu như công xã đó được thiết lập.
Trên kia ("Kinh tế chính trị", VI), chúng ta đã thấy rằng nói đến giá trị của
lao động thì tức là đã rơi vào một mâu thuẫn tự nó rồi [110]. Vì trong
những quan hệ xã hội nhất định, lao động không chỉ sản xuất ra các sản
phẩm mà còn sản xuất ra cả giá trị nữa, và giá trị đó được đo bằng lao
động, cho nên lao động không thể nào có một giá trị riêng được, cũng như
sức nặng với tư cách là sức nặng thì không thể nào có một trọng lượng
riêng, hay sức nóng thì không thể nào có một nhiệt độ riêng được. Nhưng
nếu tưởng tượng rằng trong xã hội hiện nay, công nhân không nhận được
toàn bộ "giá trị" lao động của mình, và chủ nghĩa xã hội có sứ mệnh thủ
tiêu tình trạng ấy, thì đó chính là nét đặc trưng của mọi kẻ xã hội chủ nghĩa
rối rắm đang triết lý hão về cái "giá trị chân chính". Muốn thế thì trước hết,
cần phải xem giá trị của lao động là gì; và người ta đã tìm giá trị đó bằng
cách mưu toan lấy sản phẩm của lao động chứ không lấy cái thước đo thích
hợp của nó, tức là thời gian để đo lao động. Công nhân phải nhận được
"đầy đủ thu nhập lao động" của mình. Không những sản phẩm lao động mà
ngay bản thân lao động, cũng đều phải có thể trao đổi trực tiếp lấy một sản
phẩm khác, một giờ lao động lấy sản phẩm của một giờ lao động khác.
Nhưng ở đây lập tức nảy ra một điều mắc míu, gây ra một "nghi vấn" rất
lớn. Như vậy là toàn bộ sản phẩm được phân phối. Người ta rút bỏ của xã
hội cái chức năng tiến bộ quan trọng nhất của xã hội là tích luỹ và đem
chức năng đó vào tay các cá nhân cho sự tuỳ tiện của họ. Các cá nhân có
thể tuỳ ý sử dụng những "thu nhập" của mình như thế nào cũng được, còn
xã hội nhiều lắm thì cũng vẫn giàu hay nghèo như trước kia. Thành thử,
trong quá khứ người ta tập trung các tư liệu sản xuất đã tích luỹ được vào
trong tay xã hội chỉ là để cho trong tương lai, tất cả các tư liệu sản xuất tích
lũy được lại bị phân tán trở lại vào tay các cá nhân. Như vậy là người ta lại
mâu thuẫn một cách rõ rệt ngay với những tiền đề của chính mình và đi đến