với tính không thể tiêu diệt và không tạo ra được của vận động, và thậm chí
nó lại còn có thể chỉ ra chính xác rằng trong quá trình chuyển hoá thì nhiệt
chạy đi đâu. Do đó nhiệt ấn, hay nhiệt bị ràng buộc, hoàn toàn không phải
là một vật chướng ngại đối với thuyết cơ học về nhiệt. Trái lại, lần đầu tiên,
thuyết đó đã giải thích được quá trình một cách hợp lý, và nếu nó là một vật
chướng ngại thì đó chỉ là vì các nhà vật lý học vẫn tiếp tục gọi nhiệt đã
chuyển hoá thành một hình thức khác của năng lượng phân tử là nhiệt "bị
ràng buộc", một thuật ngữ đã lỗi thời và không còn thích hợp nữa.
Vậy, quả thật là những trạng thái đồng nhất với bản thân và những quan hệ
tĩnh của trạng thái kết tụ ở thể rắn, thể lỏng và thể khí đều thể hiện công cơ
học trong chừng mực mà công cơ học là thước đo của nhiệt. Trong trạng
thái kết tụ hiện nay của nó, vỏ rắn của trái đất cũng hệt như nước trong đại
cương, đều biểu hiện một lượng nhiệt được giải phóng hoàn toàn xác định,
và tất nhiên tương đương với lượng này là một lượng lực cơ giới cũng hoàn
toàn xác định. Khi khối khí sinh ra trái đất chuyển sang trạng thái lỏng và
về sau, đại bộ phận chuyển sang trạng thái rắn, thì một số lượng năng lượng
phân tử nhất định đã được phóng ra không gian vũ trụ thành nhiệt. Như
vậy, điều khó khăn mà ông Đuy-rinh nói lầm bầm một cách bí ẩn là không
tồn tại và ngay cả khi áp dụng vào các vấn đề vũ trụ, tuy chúng ta có thể
vấp phải những sai lầm và thiếu sót - do những phương tiện nhận thức
không hoàn bị của chúng ta gây ra, - nhưng không có chỗ nào chúng ta lại
có thể vấp phải những chướng ngại không thể vượt qua được về mặt lý
luận. Ở đây cũng vậy, cái cầu nối trạng thái tĩnh với trạng thái động là cái
đẩy từ bên ngoài - sự nguội đi hoặc nóng lên là do những vật thể khác tác
động vào vật thể ở thể thăng bằng gây ra. Càng đi sâu vào triết học về tự
nhiên của ông Đuy-rinh thì chúng ta càng nhận thấy rõ sự vô hy vọng của
mọi mưu toan muốn dùng bất động để giải thích vận động hay tìm cái cầu
làm cho cái hoàn toàn tĩnh, tức là bất động, có thể tự do chuyển thành động,
thành vận động.
Thế là chúng ta đã tạm thời thoát khỏi cái trạng thái nguyên thuỷ đồng nhất
với bản thân. ông Đuy-rinh chuyển qua địa hạt hoá học và vạch ra cho
chúng ta thấy ba quy luật về tính bất biến của tự nhiên mà triết học hiện