của ngươi hơn ta, vị giáo hữu này có thể xét thấy rõ hơn ta nên dùng lập
luận gì, mềm mỏng hay quyết liệt, để có thể khiến ngươi phải từ bỏ thái độ
cứng đầu ngoan cố, phải chịu khai thật ra ai là kẻ đã quyến rũ ngươi rơi vào
chỗ sa ngã trầm trọng này. Thế nhưng ông đã phản đối ta – với tấm lòng
quá ủy mị của tuổi trẻ, mặc dù ông là người sớm hiểu biết tinh tường trước
tuổi – ông đã phản đối rằng nếu buộc một người đàn bà phải phơi bày
những điều bí mật trong lòng mình ra giữa ánh sáng ban ngày, trước quần
chúng đông đảo như thế này, thì sẽ là xúc phạm vào chính bản chất người
phụ nữ. Đúng thế, như ta đã cố thuyết phục ông ta, sự nhục nhã nằm ngay
trong việc phạm tội, chứ không phải trong việc bộc bạch tội ấy ra. Nào, bây
giờ xin hỏi giáo hữu Dimmesdale một lần nữa, ý kiến của ông thế nào? Ông
hay tôi, ai là kẻ sẽ phải thực hiện bổn phận dắt dẫn linh hồn tội lỗi đáng
thương ấy?
Có tiếng rì rầm nỗi lên trong đám quan chức quyền quý ngồi trên ban
công, rồi tiếng ngài Thống đốc Bellingham cất lên. Bằng một giọng chỉ thị
hách dịch, ngài diễn đạt ý kiến mà các vị vừa trao đổi, tuy nhiên giọng ngài
cố dịu đi phần nào do lòng quý trọng của ngài đối với người mục sư trẻ
tuổi:
- Cha Dimmesdale thân mến – Ngài nói – Ông có trách nhiệm lớn đối
với linh hồn người đàn bà này. Bởi vậy, ông cần phải khuyên nhủ chị ta để
chị ta hối hận và thú nhận, lời thú nhận sẽ được xem là bằng chứng và kết
quả của sự hối hận.
Lời kêu gọi đích danh đó đã cuốn hút mọi con mắt của đám đông đổ dồn
vào người mục sư trẻ - Đức cha Dimmesdale, con người từ một trường đại
học lớn của nước Anh tới đây, mang theo tất cả những hiểu biết của thời đại
vào miền đất núi rừng hoang dã này. Tài hùng biện và nhiệt tình ngoan đạo
của chàng mục sư trẻ đã hứa hẹn một địa vị cao trọng sau này trong nghề
nghiệp của anh. Anh là người có vẻ bề ngoài gây một ấn tượng rất đặc biệt
ở vùng trán cao xanh nhợt, đôi mắt to màu nâu đượm vẻ u buồn, đôi môi
thường run run trừ khi anh gắng sức mím chặt, biểu thị cả một tính cách hết