trong Công xã với tính chất du kích, tự động nhiều hơn là theo một tổ chức
có kỷ luật chặt chẽ, và vì thiếu lý luận, ông cũng như một số lãnh tụ Công
xã khác, chưa ý thức đầy đủ về chuyên chính vô sản, thậm chí còn chưa
vượt ra khỏi cái vòng vây của pháp chế tư sản hay một số định kiến tư sản
như về tôn trọng của công, về bạo lực cách mạng, khiến cho Công xã có
phần bị bó tay về mặt tài chính cũng như về mặt trừng trị bọn phản động.
Cho nên Người khởi nghĩa chỉ phản ảnh một bước đầu, một thời điểm lịch
sử nhất định của cuộc đấu tranh của nhân dân chống áp bức, cái thời đó đã
qua rồi. Và về cuối đời, Juyn Valex vẫn chưa nhận ra rằng lá cờ của Công
xã Pari đã được K. Mác nắm trong tay để sau này truyền cho nhân dân xô-
viết là người có sứ mạng trả thù cho Công xã, nhưng, cùng với lá cờ đó, là
cả một khoa học cách mạng nghiêm túc khả dĩ đảm bảo thắng lợi tất yếu
cho cách mạng vô sản ở thời đại chúng ta ngày nay.
*
* *
Tiểu thuyết Jăc Vanhtrax, như vậy, với hình tượng nhân vật chủ yếu của
nó là Jăc Vanhtrax, bao trùm cả ba tập, vẽ lên thành một điển hình sắc nét
của người chiến sĩ Công xã Pari, là một tác phẩm xuất sắc của dòng văn học
hiện thực chủ nghĩa nước Pháp, kế tục trực tiếp những truyền thống hiện
thực chủ nghĩa của Xtăngđan, của Banzắc mà Juyn Valex đã từng nói đến
trong tác phẩm của ông. Tính cách của Jăc Vanhtrax được hình thành và
phát triển trong những hoàn cảnh gia đình và xã hội nhất định, đó là điều
mà tác giả có ý thức đầy đủ và muốn chứng minh rõ ràng.
Song, giá trị hiện thực của bộ tiểu thuyết tăng lên qua ba tập sách với
trình độ khái quát hóa càng ngày càng cao thêm. Tập I chủ yếu trình bày cái
khung cảnh gia đình và nhà trường tỉnh nhỏ trong đó chú bé Jăc Vanhtrax
lớn lên. Trước hết hình tượng bố và mẹ Jăc Vanhtrax cũng đạt tới những
nhân vật điển hình sinh động: ông bố tiêu biểu cho một lớp giáo viên không
phải thiếu học vấn, thiếu tư tưởng và tinh cảm, nhưng vì nhút nhát, một mặt
luôn luôn lo sợ mất chức vụ, mặt khác lại bị bà vợ đành hanh khống chế,
nên hóa ra một con người tầm thường, hèn với cấp trên, ác với con; bà mẹ
đại diện cho hạng tiểu tư sản xuất thân từ nông dân, với đầu óc hẹp hòi mà
hãnh tiến” - muốn đua đòi, bay nhẩy, học làm sang, thậm chí vì không được
toại nguyện mà đâm cay nghiệt, tàn ác với con. Bên cạnh hai nhân vật đó
tập truyện còn đạt ở một loạt hình tượng chân dung những giáo sư, hiệu