tiền trọ, rồi con sẽ có thể nói thẳng sự thật vào mặt ông ta”.
Không một lời bóng gió nào về chuyện đã qua, tuyệt nhiên không?
Không một lời trách mắng, hầu như có hảo ý, đôi chút buồn rầu!... Tôi
sẽ nhẩy lên ôm cổ thày tôi, nếu thầy tôi ở đây.
Tôi sẽ làm theo lời thầy tôi: tôi sẽ đợi và cố giật giải thưởng.
Tuy nhiên cái tiếng La-tinh ấy và cái tiếng Hy-lạp ấy sao mà chán
thế! và những chữ dùng sai với những lối văn pháp kia, tôi cần quái gì!
Rồi vẫn lại, vẫn lại kỳ thi lớn!
Giáo sư tên là Đ...
Ông có cái miệng nhỏ mím chặt, đi lạch bạch như vịt, cười thì như gà cục
cục, và bộ tóc giả bóng láng như lông chim. Ông đã ba lần được giải danh
dự ở cuộc thi toàn quốc, năm ngoái ông được thưởng huy chương, ông được
một mào gà đỏ. Ông nói giọng na ná như bọn công tử bột thời Đốc-chính,
ông nói: “Xixê-ông, đit-xcu-ơ Alma pa-ăng.”
Ông là giáo sư tiếng La-tinh, ông có một thứ tiếng Pháp riêng của ông.
Khi học sinh trốn học để ra tiệm cà-phê hoặc đi tắm, trông thấy những
ghế trống không, ông nói:
“Ở đây tôi nhìn thấy nhiều học sinh không có mặt.”
Giáo sư tiếng Pháp tên là N..., đó là em của một viện sĩ hàn lâm có những
hai thứ đạo đức chứ không phải một: rồi rào phúc đức thì không hại.
Ông ta, người cao ngẳng, gầy, đỏ da, vận chiếc áo rơ- đanh-gốt kiểu nhà
tu, kính đeo như ở hội giả trang, tiếng nói vỡ, êm như huýt gió.
Bằng cái giọng đó, ông đọc những đoạn dài của Iphigiêni hoặc Exte, và
đọc xong, ông chắp hai tay, nhìn lên trần nhà đầy mạng nhện, và kêu lên:
“Hãy quỳ xuống! quỳ xuống! trước Raxin thần diệu!”
Có lần một học sinh mới đã qùy xuống thật sự. Và bằng một cử chỉ khinh
miệt, gạt quyển sách ở trước mặt đi, giáo sư nói tiếp:
“Chỉ còn việc gấp các sách khác lại thôi.”