Tôi bèn quay sang cái món thơ La-tinh, và tôi thành công ở thơ La-
tinh.
Thật là vừa kịp thời.
Tôi cảm thấy đã đến lúc lão Lơnhanha khốn nạn ấy bực tức vì thấy tôi
học hành không kết quả, sẽ đánh tôi nhiều đòn ngầm. Một buổi sáng nào đó,
tôi sẽ đánh lão gẫy lưng.
Tôi cũng đã có lần tính đến chuyện chuồn thẳng: không phải để đi lang
thang ở Săng-Êlidê hoặc trước đám leo dây múa rối, như tôi thường làm khi
trốn học, mà là để bỏ hẳn nhà trọ và lăn vào đáy sâu của Pari như một tên tù
vượt ngục.
Tôi sẽ làm gì? Tôi không biết.
Nhưng tôi thường tự hỏi là giá như tôi chuồn đi ngay ngày hôm ấy, và
quyết định ngay tức khắc rằng đời tôi sẽ là một chuỗi vật lộn thế thôi
chăng? Rất có thể như thế.
Tôi hầu như đã quyết định. Chính thằng Anatôly - Ôn Hòa làm thay đổi,
vì nó cho rằng nên báo cho lão Lơnhanha biết thì tốt hơn.
Lão gọi tôi đến và bảo rằng lão biết tôi đang định làm cái gì. Lão nói
thêm là lão đã báo trước với sở cảnh sát rồi, và nếu tôi bỏ trốn, tôi sẽ thuộc
về tay cảnh binh. Lời ấy làm tôi sợ. Chính giữa lúc đó tôi đang làm một bài
theo thể đối liên, hình như bài đó là một phát hiện. Nếu tôi mà làm như thế
ở kỳ thi, chắc chắn tôi sẽ được giải.
Trúng giải ở kỳ thi, tôi rất muốn, là để trả nợ, và ở trường Xoócbon ra,
ngay giữa sân, tôi sẽ béo tai lão Lơnhanha.
Ngày thi đã tới.
Chúng tôi dậy từ sáng sớm. Người ta đưa cho chúng tôi một cái túi lưới
là một trong những vật kỷ niệm chiến thắng của nhà trọ, và người ta bỏ vào
đó rượu vang, thịt gà nguội. Lơnhanha chìa tay cho tôi hắt. Tôi không thể từ
chối được, nhưng tôi giơ tay ra uể oải, và cử chỉ thân thiện giả dối đó còn tệ
hơn là thái độ thù địch và lặng thinh.
“Anh hãy cố gắng trội lên...”