Lão cười một cái cười nhạt nhẽo.
Anatôly và tôi, chúng tôi đi; trời rét căm căm.
Chúng tôi suýt đến muộn.
Tôi chưa bao giờ thấy Pari trong ánh mặt trời tươi mát của buổi sáng,
vắng vẻ và yên tĩnh, và tôi dừng lại năm phút trên cầu để nhìn bầu trời trắng
và nghe nước chảy. Nước róc rách đập vào vòm cầu.
Trên bờ sông Xen có một người đội mũ đang giặt mù-soa. Ông ta quỳ gối
như một thợ giặt; ông đứng dậy, vắt một đầu và hong ra một giây đồng hồ
trước gió. Tôi đưa mắt theo dõi ông. Rồi ông gấp mù-soa lại cẩn thận, và ủ
cho nó khô hẳn trong chiếc áo rơđanhgốt mà ông mở hé ra, rồi cài cúc lại,
len lén như mộtthằng ăn cắp.
Ông nhặt một vật gì đó mà tôi đã để ý thấy ở dưới đất. Đó là một quyển
sách trông như quyển tự vị.
Anatôly giật vạt áo tôi, phải đi thôi, nhưng tôi còn kịp nhìn thấy một
gương mặt nhợt nhạt, thình lình nhô lên trên các bậc đá.
Tôi bây giờ vẫn còn trông thấy gương mặt đó ở trước mắt và suốt ngày
hôm đó nó cứ lởn vởn giữa tôi và tờ giấy trắng, có lẽ nói đúng hơn là gương
mặt đó cứ ở trước mặt tôi suốt cả đời.
Là vì trên gương mặt của cái người giặt đồ tã ấy, còn trắng hơn cả chiếc
mù-soa giặt không sạch kỹ, tôi đã đọc thấy cả cuộc đời của ông ta!
Quyển sách kia nói cho tôi biết rằng ông ta xưa kia cũng là chân học trò,
thi đỗ rồi cũng nên. Tôi bỗng nhớ lại cả cuộc đời của thầy tôi, những ông
hiệu trưởng ngu xuẩn, bọn học sinh độc ác, viên thanh tra hèn hạ, và ông
giáo bao giờ cũng bị sỉ nhục, khốn khổ, bị đe dọa cách chức!
“Tao đánh cuộc là cái nhà ông nghèo khổ tao vừa nhìn thấy ở dưới cầu
kia, là một ông tú tài”, tôi nói với Anatôly.
Tôi đoán không lầm.
Đúng lúc người ta gọi chúng tôi vào trường Xoócbon, một học sinh
trường Sáclơmanhơ kêu lên, tay chỉ một bóng đen đang từ cuối phố đi lên: