hầm rượu, cố bắt lấy ý nghĩ của cô được chăng hay chớ, đầu hay đuôi cũng
được, tóm lại, phải chú mục hoàn toàn chứ không như với những bà hay
chuyện nói được, chỉ cần để tai nghe là đủ: không ai ba hoa lắm mồm bằng
một người vừa câm vừa điếc.
Tội nghiệp cho cô, chẳng ai muốn lấy! Chắc chắn là như thế, và cô sống
chật vật với số tiền kiếm được bằng lao động chân tay; thật ra cô không
thiếu thốn cái gì, nhưng cô Amêli lại có tính làm đỏm!
Phải nghe tiếng cô khẽ rủ rỉ, nhìn cử chỉ của cô, theo dõi con mắt cô, lúc
cô thử một kiểu tết tóc hoặc chiếc khăn quàng; cô biết cách trang điểm; cô
biết cắm một bông hồng bên vành tai và biết chọn màu dải lụa ăn nhất với
chiếc áo cánh, buộc gần chỗ quả tim của cô muốn nói thành lời…
Bà cô Anhét.
Người ta gọi bà là “bà mộ đạo”.
Có cả một giới gái già người ta gọi bằng tên đó.
“Mẹ ơi, bà mộ đạo nghĩa là gì?”
Mẹ tôi cố tìm một định nghĩa, nhưng tìm không ra; mẹ tôi nói về sự dâng
bán cho Thánh Mẫu, những thề nguyện thơ ngây.
“Thơ ngây. Bà cô Anhét tôi tiêu biểu cho thơ ngây? Thơ ngây là thế!”
Bà đến bảy mươi tuổi rồi và chắc tóc bà đã bạc; tôi không biết có phải thế
không mà cũng không ai biết được, vì bao giờ bà cũng đội cái mũ đen bịt
đầu mỏng như sa, dính chịt vào sọ; chẳng hạn bà có chút râu hoa râm, chỗ
này một túm lông, chỗ nọ một cụm tóc nhỏ loăn xoăn, và chỗ nào cũng có
những mụn cóc to bằng quả dâu nom như đang được nấu chín trên mặt.
Nói cho đúng hơn, vì cái mũ đen bịt đầu, đầu bà cô tôi ở phía trên trông
giống như củ khoai tây nướng cháy, và ở phía dưới giống như củ khoai tây
nẩy mầm: sáng hôm nọ, tôi đã thấy bên dưới lò, một củ khoai tây phồng
rộp, tím ngắt, trông giống bà cô Anhét tôi như hai giọt nước.
“Những thề nguyện thơ ngây”.
Mẹ tôi giải thích lúng túng quá, đến nỗi tôi sinh ra ngờ rằng mộ đạo là
bẩn thỉu, rằng những người đó thiếu một cái gì, hoặc thừa một cái gì.
Mộ đạo?