lúc trong người con khi qua những cơn thù oán, và mẹ có biết không, con
chỉ được hả lòng, ngày nào con xa mẹ!...
Những ý nghĩ đó, tới một lúc, buột ra ngoài miệng tôi!
Mẹ tôi nghe thấy thì tái mặt đi.
“Vâng, con muốn vào một nhà máy, con muốn làm ở một xưởng thợ, con
sẽ khuân hòm, lắp cửa, quét sân nhưng con sẽ học lấy một nghề. Con sẽ có
năm phơrăng một ngày khi đã học được. Khi ấy con sẽ trả lại mẹ số tiền đi
xem ở Hoàng-Cung, và ba xu cho bồi bàn...
- Mày định làm thầy mày phải tuyệt vọng đấy à, thằng khốn nạn!
- Xin mẹ đừng nói đến nỗi tuyệt vọng của thầy nữa! Điều con muốn, là
không làm cái nghề của thầy con, nghề con chó thông thái! Con không
muốn trở thành ngu như ông N..., ngu như ông D... Con ưng vận chiếc áo
vét như chú Jôdếp, tới thứ bảy lĩnh lương, và ngày chủ nhật có quyền muốn
đi đâu thi đi.”
“Và mày không muốn nhìn mặt chúng tao nữa, mày nói thế phỏng?”
Mẹ tôi đã quên tất cả những nỗi giận khác chạm đến lòng kiêu hãnh của
mẹ tôi, làm hỏng các kế hoạch, làm rối ren cuộc sống của mẹ tôi, để chỉ nhớ
có mỗi một câu, là câu tôi kêu lên rằng tôi không yêu thầy mẹ tôi, tôi không
muốn nhìn mặt thầy mẹ tôi nữa!
Vẻ buồn bã của mẹ tôi làm tôi hết sức xúc động; tôi cầm lấy tay mẹ tôi.
“Mẹ khóc à?”
Mẹ tôi không nén được một tiếng nấc, và mẹ tôi lả đầu vào hai bàn tay
với một cử chỉ buồn bã làm sao, như tôi đã trông thấy trên các bức tranh ở
nhà thờ...
Khi mẹ tôi ngảnh mặt lên, tôi không nhận ra mẹ tôi nữa: trên gương mặt
người đàn bà nông thôn ấy, có tất cả chất thơ của đau khổ; mặt mẹ tôi trắng
bệch như một bà quý phái, với những giọt lệ như hạt ngọc trong khóe mắt.
“Con xin lỗi mẹ!”
Mẹ tôi cầm lấy tay tôi. Tôi xin lỗi mẹ tôi một lần nữa.
“Mẹ không có gì để tha lỗi con cả... Mẹ chỉ xin con, con thấy không, từ
rày đừng nói với mẹ những lời tàn tệ ấy nữa”