trường học đẹp đẽ của Pari, là trường của tất cả chúng ta. (Ông nghĩ lại). À!
không, không phải tất cả; đây còn có ông bạn đồng sự của chúng ta, ông
Giăngđren.
Ông Giăngđren là giáo sư triết học. Ông là cử nhân tỉnh lẻ, tiến sĩ văn
chương tỉnh lẻ; ông đã không uống ở những nguồn nước mạnh như các ông
kia, như tôi, và ông vốn đạo đức giả theo lời người ta nói, nên hễ có dịp là
ông khoa trưởng lại châm chọc ông ta. Lúc này ông mượn dịp nói với tôi để
đả kích ông Giăngđren.
Sắc mặt ông Giăngđren vàng, vàng như nghệ, - với cặp kính như kính của
ông Bécgunnha.
Tôi qua ông giáo sư toán trước khi tới ông ta.
Tôi không hiểu gì lắm về những điều người ta hỏi tôi, nhưng do chỗ
người ta vừa công khai khen tôi, nên giáo sư cũng sẵn lòng rộng lượng.
“Quả lắc bổ chỉnh là thế nào?
- Ấy là một Quả lắc, nó... bổ chỉnh.
- Khá lắm, giỏi!”
Và nghiêng mình ghé vào tai ông khoa trưởng;
“Anh ta thông minh lắm!”
Rồi quay về phía tôi:
“Còn máy bài khí, công dụng của nó ra sao?
- Máy bài khí?...
- Ô! tôi không đòi hỏi anh phải đi vào chi tiết. Máy ấy dùng để hút không
khí tạo ra chân không, phải không? Và, nếu người ta bỏ chim vào trong đó,
thì chim chết. Tốt, tốt lắm!”
Ông lại hỏi:
“Về hình học, anh hãy nói về tiết diện của hình nón”
Được, nhưng tôi cần có một chiếc mũ, mới có thể chứng minh tốt được,
như với những miếng thạch cao của ông cụ già người Ý, và tôi bắt đầu làm
chứng minh một cách rất tự nhiên.