uống được một cốc cà-phê pha rượu ở quán Nghìn-Cột nữa. Tôi đến quán
đó đọc tờ báo Pari, còn thơm mùi mực in, khi người đưa thư đem tới.
Nhưng một tối, tôi chạm trán thầy tối đang đi qua đấy. Thầy tôi đã chửi
tôi bằng lời nói, một cử chỉ.
“Mày đấy à, thằng ăn không ngồi rồi kia?”
Và thầy tôi đi thẳng.
Ăn không ngồi rồi? - Chà! tôi không muốn chạy theo thầy tôi và hỏi xem
tại sao thầy tôi đã không nhìn thẳng vào mặt tôi mà lại rít răng để văng ra
những lời làm tôi đau đớn ấy!
Ăn không ngồi rồi! - Vì rằng, trong cảnh im lặng giá lạnh của ngôi nhà,
việc học thi tú tài và sự cặm cụi trên những người đã chết đó làm tôi phát
chán, vì tôi thấy những trận chiến đấu của người La-mã còn không gay go
bằng những trận chiến đấu của tôi, và tôi tự cảm thấy mình buồn rầu hơn cả
Côriêlăng! Ồ! không nên gọi tôi là đứa ăn không ngồi rồi!
Ăn không ngồi rồi!
Nếu thầy tôi là người khác, tôi sẽ đi đến chỗ thầy tôi, nói rằng:
“Con thề với thầy là con sẽ học, chăm học, nhưng thầy đừng nên có thái
độ độc ác đó với con nữa!”
Thầy tôi sẽ gạt tống tôi ra như gạt một thằng nói dối. Tôi đã thấy rõ điều
đó từ hồi tôi còn nhỏ tuổi hơn bây giờ.
Một vài lần, lúc thầy tôi sắp làm nhục hoặc đánh đập tôi, tôi đã hứa là
nếu thầy tôi tha cho tôi, tôi sẽ giữ bất cứ lời hứa nào mà thầy tôi muốn.
Thầy tôi đã coi khinh những lời cam kết của tôi, và dù còn bé bỏng, tôi đã
oán giận thầy tôi vì kém tin tưởng vào sự can đảm của đứa con đến thế.
Hôm nay nữa, thầy tôi cũng sẽ cười vào mũi tôi và tin rằng tôi hèn!
Thôi được! tôi sẽ sống bên cạnh thầy tôi như bên một người gác ngục, và
tôi cứ việc học! nhất quyết như thế rồi.
Nhưng tối hôm sau, mẹ tôi hết sức sợ hãi tới báo cho tôi biết là thầy tôi
không muốn cho tôi đi chơi và lang thang tới các tiệm cà-phê như một
thằng ma-cà-bông nữa. Phải về trước tám giờ, không thì tôi sẽ phải ngủ ở
đường.
Tôi đã ngủ ở ngoài đường.