- Sức khỏe thầy con ra sao?.”
Từ sáng hôm nay, thầy tôi nằm trong căn buồng bên cạnh buồng tôi. Thầy
thuốc nhận xét rằng ở đấy thoáng khí hơn. Mẹ tôi quay về buồng thầy tôi.
Tôi không nghe rõ lắm những điều thầy mẹ tôi nói, nhưng hai người đang
nói về tôi, mẹ tôi kể lại đầu đuôi câu chuyện. Tôi nghe lõm bõm từng mẩu.
Tiếng động ở cầu thang im hẳn và tôi nghe rõ hết.
Thầy tôi nói, giọng xúc động:
“Phải, khi nào khỏi, nó sẽ đi.
- Đi Pari à?
- Đi Pari - Nó không bị thương nặng lắm, phải không?! Không việc gì cả
chứ?
- Tôi đã nói với ông là không sao mà.”
Im lặng một lúc.
“Chính vì tôi mà nó đi đấu gươm... Sau câu chuyện xảy ra ngày hôm
qua!...”
Hình như giọng thầy tôi run run.
“ Phải, phải... tôi với nó ở xa nhau thì hơn. Ở xa nhau khỏi xảy ra cãi cọ.
Ở gần, nó sẽ ghét tôi!...”. Có lẽ nó đã ghét tôi rồi đấy! Nhưng tôi làm thế
nào được! Nghề giáo sư này đã biến tôi thành một con vật già nua cần phải
làm ra vẻ độc ác, và rồi đâm ra độc ác thật, vì cứ phải ra sức làm ông ba bị
và trợn mắt trợn mũi mãi…Cái đó làm cho trái tim người ta thành chai lại...
Người ta đâm ra độc ác... Tôi đã độc ác...
- Cũng như tôi, mẹ tôi nói... Nhưng một hôm ở Pari, tôi đã nói với nó, và
tôi gần như đã xin lỗi nó, và giá ông trông thấy nó đã khóc đến thế nào!
- Bà thì bà đã biết nói với nó, tôi thì không biết làm. Tôi sợ làm thương
tổn đến kỷ luật. Tôi sợ bọn học sinh, tôi muốn nói là sợ con trai tôi nó cười
tôi. Tôi đã làm giám thị, và cái đó còn lưu lại trong máu tôi. Tôi sẽ mãi mãi
nói với nó như với bọn học trò, và tôi sẽ lẫn lộn nó với đám trẻ con mà tôi