Tôi đã ngốn quyển Nghỉ hè của Ôxca.
Bây giờ tôi còn như trông thấy quyển sách bìa xanh, một màu xanh vân
cẩm thạch trắng ra ngón tay nhơm nhớp, gáy da trắng, mở trang rất khó, in
trên giấy nến. Ấy thế mà từ những trang sách ấy, từ quyển sách khốn khổ
ấy, đã giội vào ký ức tôi một cảm giác tươi mát mỗi lần tôi nghĩ đến nó!
Trong sách có một chuyện đi câu mà tôi không hề quên.
Một chiếc lưới to lấp lánh dưới mặt trời, những giọt nước lăn như những
hòn ngọc, những con cá quẫy trong mắt lưới, hai người thuyền chài lội dưới
nước tới thắt lưng, ấy là sự gợn mình của con sông.
Ông Henơcanh ấy, ông hiệu trưởng bị giáng chức, người ca ngợi chú bé
Ôxca ấy, ông đã biết kéo chiếc lưới to đó suốt một trang sách, và cho con
sông nọ chảy vào một góc chương…
Giáo sư triết học - ông Bêlibăng - người nhỏ bé, mảnh dẻ, đầu chỉ bằng
quả đấm với ba sợi tóc, và chút dấm chua trong giọng nói.
Ông thích chứng minh là có Thượng đế, nhưng nếu ai đưa ra một lý lẽ, dù
là tán thành ông, ông cũng kêu là quấy rầy ông, ông cần phải có tất cả cái
mặt bàn, như để bói bài vậy.
Ông chứng minh có Thượng đế, bằng những mẩu gỗ nhỏ, những hạt đậu.
“Ta đặt ở chỗ này một hạt đậu, đó! - Chỗ kia, một que diêm. - Bà
Vanhtrax, xin bà một que diêm! - Và bây giờ sau khi tôi đã xếp những thói
xấu của con nguồi và chỗ này, những đức tốt vào chỗ kia, giờ tôi đến mục
những tính năng của linh hồn”.
Những ai không hiểu chuyện nhìn ra cửa xem có ai vào nhà, hoặc nhìn
vào túi ông ta xem có gì trong đó sắp tòi ra không. Những tính năng của
linh hồn, đây là cái món cao siêu, thượng hạng đây! Mẹ tôi rất khoái trá.
“Những tính năng đó, đây này!”
Người ta không đừng được, vẫn lại quay ra, để chào các bà ấy, nhưng ông
Bêlibăng nắm lấy cúc áo choàng của anh kéo lại và nóng nẩy vỗ lên mặt
bàn. Ông cần phải có sự chú ý của người. Quái thật! Có muốn để ông chứng
minh là có Thượng đế không nào, có hay không!
“Tôi thì chuyện này tôi dửng dưng, còn ông thế nào?”, chú Jôdép nói với
người ngồi cạnh, người này suỵt bảo im, và nghển cổ để nhìn cho rõ hơn.