IV. THÀNH PHỐ NHỎ
Cổng Panơxắc.
Cổng này bằng đá, và thầy tôi còn nói là nhìn cổng ấy tôi có thể có một ý
niệm về những kiến trúc La-mã.
Thoạt đầu tôi cảm thấy một niềm tôn kính nào đó, rồi tôi chán: tôi bắt đầu
ngấy những kiến trúc La-mã.
Nhưng phố xá!... Nồng mùi lúa mì và ngũ cốc.
Những bao mì lụn xuống như những người ngồi ngủ dọc các bờ tường.
Trong không khí có bụi bột mì nhỏ mịn và tiếng ồn ào của những bãi chợ
đông vui. Chính ở đây những người chủ hiệu bánh mì và chủ cối xay, những
người làm ra chiếc bánh, tới mua hàng.
Tôi rất quý trọng bánh mì.
Một hôm tôi vứt một mẩu cùi bánh, thầy tôi liền nhặt lấy. Thầy tôi không
nặng lời với tôi như mọi khi.
“Con ạ, - thầy tôi nói, - không nên vứt bánh mì đi, kiếm được miếng bánh
vất vả lắm. Nhà ta không có thừa bánh, nhưng nếu có thừa, ta phải đem cho
người nghèo. Có thể một ngày kia con thiếu bánh ăn, con sẽ thấy giá trị của
nó. Con nhớ lấy điều thầy vừa nói, con nhé!”
Tôi không bao giờ quên điều đó.
Lời trách cứ ấy có lẽ là lời trách cứ không giận dữ đầu tiên trong đời niên
thiếu của tôi, nhưng nghiêm nghị, thấm sâu vào tận đáy tâm hồn tôi; và từ
đấy tôi biết quý trọng bánh mì.
Đối với tôi mùa màng là thiêng liêng, tôi không bao giờ dẫm nát một cụm
lúa để đến ngắt một bông hoa mào gà hoặc hoa mua; không bao giờ tôi giết
hoa nhụy của bánh mì trên thân cây lúa.
Cả điều mà thầy tôi nói về người nghèo cũng làm tôi xúc động, và có lẽ
nhờ những lời lẽ đó, nói thật giản dị hôm ấy, về sau bao giờ tôi cũng kính
trọng, và bao giờ cũng bênh vực những ai đói khổ.
“Con sẽ thấy giá trị của bánh mì.”
Cái đó tôi đã thấy.