Ở cổng cái lối đi có những bác thợ làm bánh vận váy như đàn bà, ống
chân để trần, áo ngắn xanh vắt lên vai.
Má họ trắng như bột, và râu đỏ hung như cùi bánh.
Họ qua đường để đi uống chút rượu, và nhân lúc qua đường, họ bôi trắng
bàn tay một người bạn họ gặp, hoặc bá vai một ông đi đường mà họ vô tình
quệt phải.
Các ông chủ hiệu ngồi ở quầy, cân những ổ bánh mì, và chính quần áo họ
cũng bị trắng nhờ nhờ, hoặc xỉn mầu lúa mạch. Ngoài những ổ bánh mì còn
có bánh ngọt, bày sau tủ kính: bánh sữa trong như những cái mũi đặc và
bánh kem nom như giấy mềm.
Bên cạnh những hạt đỗ hoặc những hạt mẩy như quả xanh hoặc bóng
loáng như đá sỏi ngoài sông, các bác lái buôn còn có những hạt chì để trong
bát gỗ.
Vậy chính là cái này người ta thường vẫn nạp vào súng đó ư? Chính cái
này thường vẫn bắn chết thỏ và xuyên qua tim những con chim ư? Thậm
chí người ta còn nói có khi những hạt chì gộp thành viên đạn có thể bắn gẫy
tay và vỡ hàm người.
Tôi thọc ngón tay vào đống hạt chì, cũng như lúc nãy tôi vọc nắm tay vào
trong những túi thóc, và tôi cảm thấy những hạt chì lăn và lọt qua kẽ tay
như những giọt nước. Mọi cái từ các bát gỗ và các túi rơi ra, tôi nhặt lấy
như những thánh-tích.
Ở Panơxắc cũng có bán đồ đi câu.
Bất cứ cái gì sặc sỡ hoặc lòe loẹt, to bằng hạt đỗ hoặc bằng quả cam, bất
cứ cái gì là một vệt màu đậm khỏe hoặc vui mắt, tất cả những cái đó đều để
dấu vết lại trong con mắt đứa trẻ con buồn bã là tôi thời ấy, và đến nay tôi
vẫn còn như trông thấy những cái phao sơn láng đỏ và những cần câu đẹp
bóng như sa-tanh vàng.
Có được một chiếc cần câu, ném câu vào nước mắt của dòng sông, kéo
lên một con cá, lấp lóa dưới mặt trời như miếng kẽm, rồi trở thành vàng óng
lúc rán trong bơ!
Một con bống do chính tôi câu được!
Nó mang tất cả trí tưởng tượng của tôi trên bộ vây của nó!