- “Em Suflu đấy à, em đến để phụ bếp phải không?”
Tôi không dám nói không, và người ta sai tôi rửa bát đĩa suốt đêm.
Tới sáng, mẹ tôi đến đón tôi khi tôi vừa rửa cốc xong; người ta bảo với
mẹ tôi là không ai trông thấy tôi cả; người ta đi tìm khắp mọi chỗ.
Tôi chạy vào buồng để định ôm lấy mẹ tôi: nhưng trông thấy tôi, bọn con
gái nhỏ thét lên, có bà bị ngất, sự xuất hiện của tên lùn này, lũn cũn đi qua
những bộ quần áo mới tinh, có vẻ kỳ quái trước mắt tất cả mọi người.
Mẹ tôi không muốn nhận tôi nữa; tôi bắt đầu ngỡ mình mồ côi!
Tuy nhiên tôi chỉ cần kéo mẹ tôi ra một xó nhà và vạch cho mẹ tôi thấy
một chỗ nào đó chẳng chịt sẹo và tím bầm, là mẹ tôi sẽ phải kêu lên ngay
lập tức: “Đúng là con trai tôi!”. Một chút e thẹn còn sót lại đã ngăn tôi
không làm thế. Tôi chỉ ra hiệu và đã làm cho mẹ tôi hiểu.
Người ta đem tôi đi như người ta buông màn sau một cảnh quái dị.
Ba ngày nữa sẽ phát phần thưởng.
Thầy tôi, nắm được bí mật của các bề trên, biết là tôi sẽ có phần thưởng,
người ta sẽ gọi con mình lên bục, sẽ đặt lên đầu nó một vòng hoa quả to, nó
nhấc được ra thì cũng phải xước trán, và nó sẽ được một vị quyền thế nào
đó hôn lên hai má.
Bà Vanhtrax biết chuyện đâm nghĩ ngợi lan man…
Bà sẽ ăn mặc cho hạt máu của bà, con trai bà, thằng Jắc của bà như thế
nào đây? Phải làm cho nó nổi bật, cho mọi người chú ý đến nó - nhà mình
nghèo thì nghèo, nhưng sành ăn sành mặc.
“Tôi thì trước nhất, tôi muốn con tôi phải ăn mặc đẹp đẽ.”
Người ta lục trong cái tủ đứng to cất chiếc áo cưới những vỏ bọc ố, các
mụn váy còn lại, những mảnh lụa.
Cuối cùng mẹ tôi sứt tay trên một thứ vải lòe loẹt có vằn hổ khi phơi ra
nắng; - một thứ vải nó ráp tay như mặt dũa, ra ngoài trời thì sáng loáng như
một chiếc xoong! Quả là một thứ vải đẹp của bà tôi ngày trước, giá đắt như
vàng. “Phải, con ạ, hồi xưa đắt như vàng đấy”.
“Jắc, mẹ sẽ may cho con chiếc áo rơđanhgốt bằng thứ vải này, mẹ
nhường cho con đấy!...” và mẹ tôi khoan khoái liếc nhìn tôi, lắc đầu, cười,
nụ cười của những người sung sướng chịu hy sinh.