Người ta không luôn mồm bảo nó:
“Mày có để yên tay không nào, mày làm gì cái ca-vạt vậy? - Đứng cho
thẳng người. - Mày gù hay sao? - Thằng này gù! - Cài cúc áo gi-lê lại - Sắn
quần lên - Mày đã làm gì các cúc ô-liu? Cúc ô-liu kia kìa, bên phải, cái cúc
xanh nhất ấy! - Ôi chao! Thằng bé này làm tôi buồn phiền đến chết mất
thôi!”
Nhưng những người đầy tớ lớn cũng còn sướng hơn cả thầy tôi!
Họ không cần phải vận gi-lê cài cúc lên tận cổ để che một chiếc sơ-mi ba
ngày chưa thay! Họ không sợ chú Jăng như thầy tôi sợ ông hiệu trưởng, họ
không phải lén lút để cười và uống một cốc vang, khi họ có tiền; khi họ làm
việc, họ hát thỏa thích, oang oang, trên đồng ruộng; ngày chủ nhật, họ quấy
phá ầm ĩ ngoài quán rượu.
Ở đít họ có một miếng trông như cao dán: xanh, vàng; nhưng đầy mầu
đất, mầu cỏ cây, bắp cải.
Thầy tôi không phải là đầy tớ mà phải lóng ngóng khổ sở, gượng nhẹ với
chiếc quần cadimia đen đã ngốn mất mười cuộn chỉ, làm hại hai mươi chiếc
kim, nhưng vẫn tồi tàn, mong manh và mềm nhũn!
Thầy tôi cúi xuống rất khó, mai đây khó lòng còn có thể chào ai được...
Nếu thầy tôi không chào người này, người nọ... (phải cất mũ chào tất cả
mọi người, ông hiệu trưởng, ông tổng giám thị, v.v...) nếu thầy tôi không
chào cúi mình xuống, lối chào mà cái đít quần kia không ưa, thì người ta sẽ
gọi thầy tôi lên phòng ông hiệu trưởng ngay!
Thế là phải thanh minh! - không như một người đầy tớ, - không! - mà
như một vị giáo sư. Phải xin lỗi.
Người ta sẽ xì xào về chuyện đó, người ta cười, học sinh chế giễu, cả
những bạn đồng sự của thầy tôi cũng chế giễu. Người ta trả công cho thầy
tôi (mẹ tôi gọi là “lương”) và người ta sẽ tống cổ thầy tôi về một nơi nào đó
để thuê người vá quần tốt hơn, với người vợ vẫn ghê tởm nông dân, nhưng
đứa con trai... vẫn còn yêu họ...
Một lần tôi đánh nhau với thằng Vintarơ, con trai ông giáo sư lớp bảy.
Thật là cả một chuyện rắc rối!
Người ta gọi thày mẹ tôi đến; vợ ông hiệu trưởng cũng can thiệp vào việc
này; phải khuyên giải cho bà Vintarơ dịu đi, bà ta hét ầm lên: