VII. NHỮNG NIỀM VUI TRONG GIA ĐÌNH
Mồng một tháng giêng
Bạn đồng sự của thầy tôi, vài phụ huynh học sinh tới chơi, mừng tuổi cho
tôi một ít quà.
“Cám ơn đi chứ, Jắc! Sao mày cứ đứng đực ra thế kia.”
Lúc khách ra về, tôi được cái thú lấy đồ chơi hoặc chiếc bánh, cái hộp
quỷ sứ hoặc túi kẹo hạnh nhân; - tôi đánh trống, thổi kèn, tôi chơi một thứ
âm nhạc làm nghiến răng, điên lên được!
Nhưng mẹ tôi không muốn tôi phát điên! Mẹ tôi lấy kèn và trống đi. Tôi
lại vớ lấy kẹo mà liếm. Nhưng mẹ tôi không muốn tôi có cung cách của
nịnh thần: “Lúc đầu thì liếm kẹo, rồi cuối cùng thì đi liếm...” Mẹ tôi ngừng
lại, và quay về phía thầy tôi để xem thầy tôi có nghĩ như mình không, và có
biết mẹ định nói gì không; - quả nhiên thầy tôi nghiêng mình và tỏ ra là
hiểu.
Tôi không còn gì để thổi, gõ, rít nữa và người ta chỉ cho phép tôi quệt tí
đầu lưỡi vào những chiếc kẹo ngon: và người ta còn bảo tôi làm cho đầu
lưỡi nhọn ra nữa! Lúc ấy có cô Ởgiêni và cô Luidơ Rayô ở đấy, và họ vừa
cười vừa đỏ mặt lên một chút. Tại sao vậy nhỉ?
Thế là hết cái nước sơn láng xanh thô kệch dính ra tay và làm thơm đầu
ngón tay, hết cái mùi gỗ tạp của chiếc kèn!...
Người ta lấy hết của tôi, và cất quà mừng tuổi vào tủ khóa lại.
“Chỉ hôm nay thôi, mẹ, mẹ cho con chơi, con sẽ ra sân, mẹ sẽ không
nghe thấy gì cả đâu! Chỉ hôm nay thôi, cho đến tối, ngày mai con sẽ ngoan!
- Tao mong là mai mày sẽ ngoan; nếu mày không ngoan, tao sẽ đét vào
đít ấy. Đấy cứ cho thằng ma xó này những thức xinh đẹp, nó chỉ làm hỏng
hết thôi.”
Những chấm lòe loẹt ấy, những vật màu vui mắt ấy, những tiếng kêu của
đồ chơi, chiếc kèn một xu, những chiếc kẹo thắt dải viền có yếm đăng-ten,
những kẹo hạnh nhân trong như mũi người say rượu, những mầu tươi rói,
và những vị thơm ngon, chú lính đỏ lăn kềnh, cục đường tan đi, những thứ
làm ngộn mắt, làm nhỏ dãi, những mùi hồ, hương va-ni, cái mũi ngửi thả