sáng lập tờ báo Đường phố, trong đó ông đả kích thẳng tay mọi thiết chế
chính trị, văn học, nghệ thuật đương thời, đả kích những kẻ mà ông gọi là
“bọn giữ đồ thánh trong văn học, chính trị, và cả trong Cách mạng nữa!”
Nhưng ra đến số 34 thì tờ báo bị tịch thu và phá sản. Trong thời kỳ Công xã
ông thành lập tờ báo Tiếng kêu của dân chúng nó mau chóng trở thành cơ
quan chủ yếu của Công xã, trong đó Juyn Valex khích lộ tinh thần kháng
chiến đến mức “kiên cường tuyệt vọng”.
Nhưng tác phẩm văn học lớn và chủ yếu của Juyn Valex là bộ tiểu thuyết
ba tập Jăc Vanhtrax (Jacques Vingtras) mà hai tập đầu ông đã viết và cho
đăng báo ngay từ hồi ông còn lưu vong ở Anh (1878 - 1879). Sau khi trở về
Pháp ông đã chữa lại hai tập đó và viết tiếp tập ba mà mãi sau khi ông mất,
năm 1886, mới được in thành sách. Jăc Vanhtrax là một tiểu thuyết tự
truyện thuật lại chính cuộc đời của tác giả và, với nội dung xã hội - chính
trị, nó giúp cho chúng ta hiểu khá sâu xã hội Pháp từ sau cuộc cách mạng
1848, trải qua thời Đế chính thứ II cho đến phong trào Công xã Pari. Cùng
với tiểu thuyết Jăc Vanhtrax cũng phải kể đến việc Juyn Valex cho xuất bản
lại tờ báo Tiếng kêu của dân chúng từ năm 1883, và ông đã làm cho nó
thành tờ báo cách mạng lớn đầu tiên của nước Pháp. Tiếng kêu của dân
chúng đã tham gia vào tất cả mọi chiến dịch xã hội chủ nghĩa thời bấy giờ,
nó đã kịch liệt phản đối những cuộc chinh phục thuộc địa ở Tuynidi và ở
Bắc kỳ (Bắc-bộ Việt Nam), nó đã nhiệt liệt ủng hộ những cuộc đình công
của thợ mỏ tại Anzin và Đơcazơvilơ. Và điều đáng kể là Juyn Valex đã biết
đặt Juyn Ghexđơ (Jules Guesde), vị lãnh tụ xuất sắc của phong trào công
nhân Pháp đương thời, vào địa vị cây bút số một trong tờ báo của ông.
Chính sự hợp tác của Ghexđơ và những đồng chí của ông này đã khiến cho
Tiếng kêu của dân chúng trở thành cơ quan ngôn luận lớn nhất của giai cấp
công nhân đã xuất hiện ở Pháp từ trước cho đến thời bấy giờ.
Juyn Valex qua đời năm 1885, hai năm sau khi Tiếng kêu của dân chúng
lại xuất hiện. Hàng chục vạn nhân dân lao động Pari đã đưa tới nghĩa địa
Perơ Lasedơ “người ứng cử viên của bần cùng”
[3]
“người đại biểu của những
kẻ bị xử bắn” ấy. Nhân dân Pari đã biểu lộ lòng tôn trọng chính đáng của
mình đối với “con người tâm huyết” ấy, “người bạn chân thành của thợ
thuyền, người chiến sĩ vẻ vang của Công xã, nhà văn cách mạng lớn của
nước Pháp!”