II
Tiểu thuyết Jăc Vanhtrax, với ba tập của nó nhan đề lần lượt: -tập I, Chú
bé (L’enfant - 1879), - tập II, Cậu tú (Le bachelier - 1881), - tập III, Người
khởi nghĩa (L’insurgê - 1886), là một kiệt tác kỳ lạ của Juyn Valex; nó đã
đặt ông vào hàng những nhà văn xuôi lớn của nước Pháp thế kỉ XIX.
Một mặt, bộ tiểu thuyết vạch rõ bước đường tất yếu của một người trí
thức tiểu tư sản, dưới thời Đế chính thứ II, đi đến với cách mạng. Bước
đường của Jăc Vanhtrax chính là bước đường của bản thân Juyn Valex. Có
thấy hết mọi nỗi nhục nhã, cay đắng vì nghèo khổ, vì hành hạ, vì bất công,
mà chú bé Jăc Vanhtrax, cậu tú Jăc Vanhtrax phải chịu đựng trong gia đình,
ở nhà trường và ngoài xã hội, có thấy cả cái không khí đấu tranh chính trị ở
Pari, dưới thời Đế chính thứ II, khi ngấm ngầm khi công khai, sôi sục, mới
hiểu được tại sao Jăc Vanhtrax đã trở thành một kẻ bất bình, và từ một kẻ
bất bình trở thành người khởi nghĩa đứng dưới lá cờ của Công xã Pari.
Mặt khác, bộ tiểu thuyết cũng đồng thời vừa là một bức tranh sinh động
vừa là mội bản cáo trạng nghiêm khắc cái xã hội Pháp đương thời, dưới nền
Đế chính thứ II cực kỳ phản động, dưới sự thống trị của giai cấp tư sản, đầy
rẫy những tàn ác, bất công trong quan hệ gia đình, quan hệ học đường, quan
hệ xã hội. Tập I, Chú bé, với lời đề tặng cho TẤT CẢ NHỮNG AI đã buồn
chán đến chết trong trường học hoặc đã phải khóc trong gia đình, những ai,
trong thời thơ ấu, bị thầy giáo hành hạ hoặc bị cha mẹ đánh đập”, chính là
đã vạch trần những quan hệ gia đình, quan hệ học đường tàn nhẫn đó. Tập
II, Cậu tú với lời đề tặng cho “Những ai bụng nhồi đầy tiếng Hy-lạp, tiếng
La-tinh mà chết đói”, vừa mỉa mai cái nền giáo dục nhồi sọ, sách vở, xa rời
thực tế, vừa tố cáo “cái xã hội chó má nó làm cho những người có học thức
và những người can đảm phải chết đói khi họ không muốn làm đầy tớ cho
nó”. Đến như tập III, Người khởi nghĩa, với lời đề tặng “Những liệt sĩ năm
1871, những ai là nạn nhân của bất công xã hội, đã cầm vũ khí chống lại
một xã hội tổ chức hỏng và họp thành, dưới lá cờ của Công xã, cuộc đại liên
minh của những đau khổ”, thì chính là một thiên ký sự lịch sử độc đáo kể
lại bước đấu tranh cách mạng tất yếu của Jăc Vanhtrax, và, nhân đó, vẽ lên
cả bức tranh nhân dân lao động Pari sôi sục nổi dậy chống chính quyền tư
sản đầu hàng giặc, thiết lập Công xã và chiến đấu suốt trong bẩy mươi hai
ngày.
*