kèm theo tiếng rú báo hiệu điềm chẳng lành. Bầu trời vừa mới đây chỉ có
lớp mây màu tím giăng đầy ở phía Tây, thế mà đùng một cái đã tối sầm hết
lại. Rồi sau một thoáng yên lặng, lá cây, rơm rạ, cát, đá mảnh - tất cả đều bị
một cơn gió giật cuốn bốc lên trên không. Cơn bão đang đến gần.
Đó là trận bão mạnh ghê gớm, ống khói nhà, cánh cửa sổ và thậm chí ở một
số nơi cả mái nhà cũng đều bị cuốn đi như những cọng cỏ. Nhiều nhà bị hư
hại, nhiều kho tàng bị sụp đổ, nhưng trong vịnh, ngay khi bão biển mạnh
nhất cũng vẫn bình yên, như mặt nước dưới giếng vậy.
Cơn bão đã hoành hành suốt cả giờ. Sau đó, bị các sườn núi Na Uy cản lại,
nó chuyển sang hướng Nam, về phía lục địa châu Âu, quét đi tất cả mọi thứ
trên đường. Trong các bản tin khí tượng, trận bão ấy được ghi nhận là một
trận gió xoáy mạnh nhất có sức tàn phá lớn nhất đã tràn qua Đại Tây
Dương từ trước đến nay.
Ở thời đại chúng ta (ở đây nói đến những năm sáu mươi của thế kỷ 19),
những đợt di chuyển của không khí mang tính chất thảm họa như vậy được
người ta thông tin bằng điện báo. Phần lớn các cảng ở châu Âu được thông
báo kịp thời bằng công văn hỏa tốc đã báo tin ngay về trận bão sắp đến cho
các tàu đang chuẩn bị rời bến hoặc neo yếu. Nhờ vậy, những thiệt hại về
người do bão gây ra có phần nào bớt đi. Nhưng, tai nạn ở các làng chài và
ngoài biển khơi do ở xa những cảng lớn thì nhiều vô kể. Tổng cục hàng hải
Pháp Veritas và Tổng cục hàng hải Anh Lôiđa đã ghi lại được ít nhất bảy
trăm ba mươi vụ đắm tàu do bão gây nên.
Ý nghĩ đầu tiên của gia đình Hecsêbom, cũng như hàng trăm gia đình đánh
cá khác trong ngày hôm ấy tất nhiên là chú ý đến những người đi biển. Bác
Hecsêbom thường hay đi về bờ biển phía Tây của một hòn đảo khá lớn
cách cửa vịnh hai hải lý. Đúng nơi ấy trước đây bác đã tìm thấy Êrik. Căn
cứ vào chỗ bão không ập đến ngay, nên có thể hy vọng rằng bác đã tìm
được nơi trú ẩn, ngay cả khi thuyền bị hất lên bãi cát. Những, Êrik và Ôttô