những cái đó khác nào một trò chơi hấp dẫn. Không một em nào lại nghĩ
rằng đây đang là một buổi học bình thường.
Khi thầy giáo cầm phấn giải thích chỗ sai thì sự hồi hộp cửa cả lớp vẫn
không lắng xuống. Cậu nào cũng cố nghĩ xem mình phạm sai lầm ở chỗ nào.
Bởi vì khi họ đọ sức với “Máy ôn tập”, cậu chưa biết rằng cuộc đọ sức sẽ
kết thúc ra sao, nhưng bây giờ thì cần phải tìm ra chỗ nào đã vướng mắc,
chỗ nào đã giải nhầm để lần sau giải đúng cách và sẽ thắng.
Thầy Ta-ra-ta nói:
— Chúng ta vừa nói với nhau là con người cần phải biết nhiều. Nhưng tôi
không muốn các em biến thành những cuốn sổ tra cứu bách khoa, hay những
kho chứa thông tin thông thường. Chắc hẳn các em đều biết một trong
những quy tắc cơ bản của điều khiển học áp dụng cho cả người lẫn máy:
trong bất kỳ việc gì cũng phải chọn lấy phương án tốt nhất, tối ưu nhất để
đạt lấy một kết quả khá nhất. Tôi muốn các em suy nghĩ như thế vì nó vừa
mở rộng tầm hiểu biết của mình, vừa chọn được giải pháp tốt nhất. Tôi hy
vọng rằng “Máy ôn tập” sẽ giúp tôi làm được việc này. - Thầy Ta-ra-ta giơ
tay báo trước. - Chương trình hôm nay của máy chưa hết. Còn lại một bài
tập tương đối khó. Tôi muốn đề nghị em Xư-ra-e-xkin, người trợ lý thường
trực của tôi, từ nãy đến giờ vẫn im tiếng lên giải bài này.
Điện Tử long trọng tiến đến máy ôn tập. Bạn bè thông cảm nhìn theo như
tiễn một nhà du lịch đi vào sa mạc. Nút “khởi động” bật lên. Điện Tử giọng
đều đều đọc các dữ kiện.
— “Hãy tìm ba số có bốn chữ số, sao cho mỗi số bằng bình phương của
tổng hai chữ số đầu và hai chữ số cuối của nó”.
“Ôi chao, bài toán khó ghê! Ra đầu bài thế mới gớm chứ. Bình phương
của tổng... gồm... của số phải tìm”.
Các nhà toán học ở đây đều nghĩ na ná như vậy. Có người còn nhắm mắt
lại hình dung đến một chuỗi dài con số phải tìm.
Nhưng sao thế kia? Những nút bấm kêu lạch xạch liên hồi như súng liên
thanh. Không đầy ba giây sau, Xư-ra-e-xkin đã đứng bên cạnh “Máy ôn tập”