sáng tạo đặc biệt. Bởi vậy giáo sư thể nghiệm trong những sơ đồ của mình
mọi hiểu biết của ông về hệ thần kinh và bộ não của con người.
Tất nhiên không phải chỉ mình ông chế tạo ra Điện Tử. Một mình ông thì
chả làm gì nổi. Những người giúp việc của ông, bè bạn, học trò, sinh viên,
tất cả mười hai người say mê ý đồ chế tạo ra một sinh vật, đã bỏ công sức
vào đó suốt năm năm, bằng tất cả thời gian rỗi của mình.
Năm năm trôi qua. Đứng trước mặt họ là một cái máy lạ lùng - một khúc
cứng đờ duy nhất giống như đầu và mình người. Chiếc máy này cấu trúc
như một chiếc bánh rán ép nhiều lớp. Đó là những màng mỏng có in những
sơ đồ điện tử phức tạp như in lên báo. Những màng này mảnh hơn sợi tóc
hàng ngàn lần. Kích thước các sơ đồ bộ não làm cho bất kỳ một người thợ
chế tạo đồng hồ nào cũng phải ao ước. Những tín hiệu điện chạy trên sơ đồ
liên quan đến những chi tiết nhỏ bé như những phân tử và nguyên tử của
những tinh thể. Vì vậy, trong những sơ đồ phần điện tử, mật độ lắp ráp thật
kỳ diệu ở trên mỗi cen-ti-mét khối có hàng triệu chi tiết. Chỉ cần nhớ rằng
cái máy hoàn chỉnh nhất trên đời là bộ óc con người cũng chỉ có chừng ấy
mật độ tế bào thần kinh.
Nhưng như thế vẫn chưa hết những cái mà Điện Tử khác với bố mẹ mình.
Trong những máy tính điện tử thông thường, các phân tử đều mắc nối tiếp.
Bởi vậy trong lúc tìm đáp án cho vấn đề, dù máy có hoạt động nhanh, thì tín
hiệu vẫn phải chạy qua mọi ô nhỏ, hết ô này đến ô khác. Việc đó thật chẳng
khác nào như có một triệu quân nhưng lần lượt thì có hai người lính tham
gia trận đánh, những quân còn lại chỉ đứng đợi. Những ô nhớ của Điện Tử
xếp theo hình khối. Tất nhiên đó là những khối cực nhỏ phải nhìn bằng kính
hiển vi mới thấy được. Cũng giống như tế bào thần kinh của người, các khối
này gắn với nhau bằng những chùm dây liên lạc. Bởi thế Điện Tử xét đoán
giỏi hơn bất kỳ một máy nào. Ở đó, việc xử lý các thông tin và tìm kiếm trực
tiếp đáp án của vấn đề đi theo nhiều hướng trên những đường liên lạc song
song. Có thể nói toàn bộ đội quân kiến thức đều xung trận.
Giáo sư mỉm cười nhớ lại: