— Bắt được cái con vật chạy trốn quái gở ấy thật là một vinh hạnh lớn. -
Xvét-la-vi-đốp ao ước. - Còn Điện Tử... như tôi hiểu thì không thể phân biệt
được với bất kỳ một chú bé nào có phải không ạ?
— Đúng, đây là một kỳ quan do nhà chế tạo con rối Xmê-khốp làm ra. -
giáo sư trả lời. - Vì vậy đối với Điện tử cũng không kém phần rắc rối đâu.
Các nhà hát trên thế giới coi nhà chế tạo con rối Xmê-khốp như một nghệ
nhân số một. Con rối của ông đi du lịch khắp các nhà hát trên hoàn cầu.
Chúng biết thể hiện tình cảm, nhưng chỉ sắm được một vai nhất định, chứ
không tự mình thể hiện được. Nghệ nhân hết sức vui mừng khi biết rằng
mình sẽ được làm một con rối sống! Xmê-khốp rất xúc động. Ông cứ hỏi
mãi mọi người là nên làm chú bé ấy như thế nào. Thế là ông nhận được bao
nhiêu ý kiến và cuối cùng đâm quẫn, không biết nghe theo ý kiến của ai.
Một lần Xmê-khốp trông thấy một tấm ảnh in trong họa báo: một chú bé
trườn ra khỏi bể bơi, toét miệng cười sảng khoái. Nụ cười dễ thương, mũi
hếch, mớ tóc bù xù - nói chung, toàn bộ diện mạo của chú bé làm cho nhà
chế tạo con rối ưa thích, đến nỗi ông quyết định ngay rằng tác phẩm của ông
phải như vậy. Xmê-khốp căng lớp da bọc máy, như ta đi tất vào chân. Ông ở
lì trong xưởng không cho ai vào. Thế rồi một hôm ông đưa ra khỏi xưởng
một chú bé y như thật.
Còn lại việc đặt tên cho nó. Bác giúp việc Pum-pô-nốp cao tuổi nhất nói:
“Cái tên phải vừa cổ, vừa kim”. Mọi người nghĩ mãi, đoán mãi, cuối cùng,
một người nào đó bỗng kêu lên: “Điện Tử”. Hợp đấy! Một tặng phẩm để
biểu lộ sự kính trọng đối với bố mẹ Điện Tử
. Theo tiếng cổ Hy Lạp thì
điện tử có nghĩa là hổ phách. Cái tiếng nghe rất hợp. Thế là quyết định.
Chú Điện Tử - chú bé Hổ Phách - lấp lánh như đồ chơi trong cửa hiệu.
Giáo sư cứ rón rén đi vòng quanh cái công trình sáng tạo của mình mà
không nghĩ rằng, bao nhiêu những lo lắng đang còn ở phía trước.