được mục tiêu đề ra. Can thiệp không những là vô ích mà còn đưa tới
những kết quả trái ngược với mục tiêu đề ra vì nó làm gia tăng đáng kể "cái
xấu xa" mà nó định chống lại. Trước khi tiến hành kiểm soát giá cả, chính
phủ cho rằng hàng hóa quá đắt đỏ; còn bây giờ thì không còn hàng hóa trên
thị trường nữa. Nhưng đấy không phải là mục đích của chính phủ, chính
phủ chỉ muốn người dân mua được hàng với giá rẻ hơn. Tình hình hóa ra
ngược lại, và cũng theo quan điểm của chính phủ thì việc thiếu hàng hóa
còn là tai họa lớn hơn nhiều. Theo ý nghĩa đó, ta có thể nói rằng việc can
thiệp của chính phủ chẳng những vô ích mà còn đi ngược lại mục đích đặt
ra, và chính sách kinh tế với những biện pháp can thiệp như thế là không
thực tế và không thể tưởng tượng được vì nó mâu thuẫn với logic kinh tế.
Nếu chính phủ không thiết lập lại trật tự bằng cách từ bỏ việc can thiệp,
nghĩa là bãi bỏ việc kiểm soát giá cả, thì nó sẽ phải đi những bước tiếp theo.
Ngoài quy định cấm bán với giá cao hơn giá quy định, chính phủ không
những phải đưa ra những biện pháp buộc người ta bán hết hàng hóa có
trong kho theo hệ thống tem phiếu bắt buộc, mà còn phải quy định giá trần
cho những loại hàng hóa thuộc công đoạn sản xuất cao hơn, kiểm soát tiền
lương và cuối cùng là cưỡng ép lao động đối với cả nghiệp chủ và người lao
động. Những biện pháp như thế không chỉ được áp dụng cho một hay một
vài lĩnh vực sản xuất mà sẽ bao trùm lên toàn bộ nền kinh tế. Đơn giản là
chỉ có hai sự lựa chọn: hoặc phải tránh can thiệp vào sân chơi của thị trường
tự do hoặc phải trao toàn bộ bộ máy quản lí sản xuất vào tay chính phủ. Chủ
nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội: không có con đường thứ ba.
Những người từng chứng kiến những biện pháp của chính phủ nhằm ấn
định giá cả bằng sắc lệnh trong thời gian chiến tranh cũng như trong những
giai đoạn lạm phát đều biết rõ cơ chế của một loạt các sự kiện vừa được
trình bày. Hiện nay mọi người đều biết rằng việc kiểm soát giá cả của chính
phủ chỉ dẫn đến kết quả là những món hàng liên quan sẽ biến mất. Ở đâu
kết quả cũng đều như thế. Ví dụ, khi chính phủ quy định giá trần cho việc
thuê nhà thì nhà ở lập tức bị thiếu. Ở Áo, Đảng Dân chủ Xã hội gần như bãi