lương cao hơn mức tự nhiên: lợi nhuận của người sử dụng lao động sẽ
giảm, và số người lao động có thể được sử dụng để đảm bảo mức lợi nhuận
mong muốn cũng sẽ giảm theo. Như vậy tức là số người thất nghiệp sẽ gia
tăng, giống như một chiếc lò xo đang giãn ra vậy. Người sử dụng lao động
còn có thể bị buộc phải trả chi phí cho việc trợ cấp thất nghiệp thông qua
thuế lợi tức hoặc thuế đánh trên đồng vốn, không phụ thuộc vào số người
lao động mà họ sử dụng. Nhưng biện pháp này cũng chỉ làm tăng thêm thất
nghiệp. Vì khi đồng vốn bị thuế khóa làm cho suy kiệt hoặc quá trình hình
thành đồng vốn mới ít nhất cũng bị chậm lại thì điều kiện sử dụng lao động
ceteris paribus [trong khi những điều kiện khác vẫn giữ nguyên - ND] cũng
sẽ không được thuận lợi.
Rõ ràng, những chương trình có tính xã hội nhằm loại bỏ hiện tượng
thất nghiệp là những cố gắng vô ích. Nguồn lực cần cho những dự án như
thế phải được lấy từ thuế khóa hoặc vay mượn mà đáng ra có thể được dùng
cho những mục tiêu khác. Bằng cách làm như thế, người ta có thể giảm thất
nghiệp trong ngành này nhưng lại làm gia tăng thất nghiệp trong ngành
khác
.
Dù nhìn chủ nghĩa can thiệp theo khía cạnh nào thì ta cũng thấy rõ ràng
là hệ thống này chỉ dẫn đến những kết quả mà những người tạo ra và ủng hộ
nó không muốn, và thậm chí theo quan điểm của họ thì đây là chính sách vô
nghĩa, thất sách và phi lí.
6. Chủ nghĩa tư bản: phương thức tổ chức xã hội
khả thi duy nhất
Mỗi khi suy nghĩ về những phương pháp tổ chức xã hội khác nhau trên
cơ sở phân công lao động, rốt cuộc ta cũng đi đến cùng một kết luận: chỉ có
thể lựa chọn giữa sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất. Tất cả
những hình thức trung gian đều vô ích, và trên thực tế nhất định sẽ dẫn đến