Những người phản đối chủ nghĩa tự do thường gọi học thuyết kinh tế
của chủ nghĩa tự do là “lạc quan”. Họ coi đấy là một lời phê phán hoặc chế
giễu phương pháp của tư duy trường phái tự do.
Nếu dùng từ “lạc quan” để nói rằng chủ nghĩa tự do coi thế giới tư bản
là thế giới tốt nhất có thể thì đấy là việc làm hoàn toàn vô nghĩa. Đối với
một hệ tư tưởng được xây dựng trên cơ sở hoàn toàn khoa học, như hệ tư
tưởng của chủ nghĩa tự do, thì những câu hỏi đại loại như chủ nghĩa tư bản
là tốt hay xấu, liệu có thể có hệ thống tốt hơn hay không, và liệu nó có bị
bác bỏ nếu dựa vào cơ sở triết học hay siêu hình học nào đó hay không là
những câu hỏi hoàn toàn không thích hợp. Chủ nghĩa tự do có nguồn gốc từ
các môn khoa học thuần túy là kinh tế học và xã hội học, tức là những môn
khoa học không đưa ra những đánh giá chủ quan và không bàn luận về cái
gì nên, cái gì không nên, cái gì tốt, cái gì xấu, mà ngược lại chỉ tìm hiểu bản
chất của sự vật và cách nó vận động. Khi những môn khoa học này chỉ cho
chúng ta thấy rằng trong tất cả các phương pháp tổ chức xã hội có thể tưởng
tượng, chỉ có một cách, mà cụ thể là hệ thống dựa trên quyền sở hữu tư
nhân tư liệu sản xuất là có thể vận hành được vì tất cả các hệ thống tổ chức
xã hội khác đều bất khả thi thì đấy hoàn toàn không có bất cứ điều gì có thể
gọi là “lạc quan”. Chủ nghĩa tư bản là khả thi và có thể vận hành được là
kết luận chẳng liên quan đến chủ nghĩa lạc quan.
Chắc chắn là những người phê phán chủ nghĩa tự do cho rằng đấy là
một xã hội tồi dở. Vì khẳng định này chứa đựng đánh giá mang tính chủ
quan, nên thực ra không đáng để đem ra thảo luận, đấy là nói một cuộc thảo
luận có ý định đi xa hơn những đánh giá mang tính chủ quan, và vì vậy mà
không khoa học. Nhưng vì lời khẳng định này đặt căn bản trên nhận thức
sai lầm về những hiện tượng diễn ra trong hệ thống tư bản chủ nghĩa cho
nên kinh tế học và xã hội học có thể uốn nắn được. Nhưng đây cũng không
phải là chủ nghĩa lạc quan. Dù hệ thống tư bản chủ nghĩa không phải là
hoàn hảo, thậm chí có rất nhiều khuyết tật, thì điều đó cũng chẳng có nghĩa
lí gì đối với việc giải quyết các vấn đề chính sách xã hội chừng nào mà