không thể có sự công bằng và nhân đạo mà chỉ còn lòng hận thù thì vấn đề
sẽ hoàn toàn khác. Khi đó, một viên quan tòa sử dụng quyền lực nhằm phục
vụ cho quyền lợi của nhóm mình nhưng lại nghĩ rằng mình đang thi hành
phận sự, thì đấy chính là hành động kì thị, dù đó có là hành động cố ý hay
vô ý.
Chừng nào mà bộ máy của chính phủ không có chức năng nào khác
ngoài chức năng bảo vệ cuộc sống, quyền tự do, tài sản và sức khỏe thì ta
có thể đưa ra những quy định nhằm hạn chế một cách triệt để lĩnh vực mà
bộ máy hành chính và tòa án có thể hoạt động một cách tự do, không để
hoặc để rất ít khoảng trống cho những hoạt động tùy tiện hay đưa ra những
quyết định độc đoán và chủ quan. Nhưng chỉ cần giao cho nhà nước quản lí
một phần quá trình sản xuất, chỉ cần bộ máy của chính phủ được yêu cầu
quyết định chủng loại các hàng hóa thuộc gia đoạn sản xuất cao hơn là sẽ
không thể buộc các quan chức phải tuân thủ những điều luật và quy đinh
nhằm bảo đảm quyền lợi của các công dân được nữa. Luật hình sự nhằm
trừng phạt những kẻ sát nhân, ở mức độ nào đó, đã quy định rõ ai là và ai
không phải là sát nhân và vì vậy đã xác định được lĩnh vực trong đó quan
tòa có thể tự do đưa ra phán quyết. Dĩ nhiên là luật sư nào cũng biết rằng
trong những trường hợp cụ thể, ngay cả những đạo luật tốt nhất cũng có thể
bị người ta xuyên tạc trong khi giả thích, áp dụng và thi hành. Nhưng trong
trường hợp cơ quan của chính phủ được giao nhiệm vụ quản lí phương tiện
giao thông, hầm mỏ hoặc đất công, thì tất cả những cái ta có thể làm là giới
hạn phạm vi hoạt động của nó trên những nền tảng nguyên lí khác (đã được
thảo luận trong Phần 2), và điều tốt nhất ta có thể làm để giữ cho nó không
thiên vị trong những vấn đề liên quan đến chính sách quốc gia là cung cấp
cho nó những chỉ dẫn cụ thể, không một chút tổng quát nào. Nhưng, ta phải
dành cho cơ quan của chính phủ không gian để hành động vì không thể biết
trước nó sẽ phải hành động trong những hoàn cảnh nào. Như vậy là ta đã để
rộng cửa cho những hành động độc đoán, thiên vị và lạm dụng quyền lực.