thì vẫn có thể có những vấn đề chưa được giải quyết, có thể tạo ra va chạm
giữa các dân tộc khác nhau. Thuộc về nhà nước mà mình không muốn dù
đấy có là kết quả của một cuộc bỏ phiếu hay chinh phục bằng quân sự thì
cũng đau khổ như nhau. Nhưng đối với một người bị hàng rào ngôn ngữ
ngăn cách với đa số những người cùng dân tộc thì khó khăn còn tăng lên
gấp đôi.
Là người dân tộc thiểu số bao giờ cũng có nghĩa là công dân loại hai.
Muốn thảo luận các vấn đề chính trị đương nhiên là phải nói hoặc viết -
trong những bài diễn văn, trên báo chí hay trong sách vở. Nhưng những
người thiểu số không có nhiều phương tiện học hỏi và thảo luận những vấn
đề chính trị bằng những người mà tiếng mẹ đẻ của họ (tiếng nói vẫn dùng
hàng ngày) là tiếng được dùng để thảo luận. Xét cho cùng thì tư duy chính
trị của nhân dân chính là những tư tưởng được thể hiện trong sách báo
chính trị của họ. Kết quả của những cuộc thảo luận chính trị - được đúc kết
thành luật lệ - có ý nghĩa trực tiếp đối với những công dân sử dụng ngôn
ngữ khác vì người đó phải tuân thủ pháp luật; nhưng người đó lại cảm thấy
rằng mình không được tham gia vào quá trình lập pháp hoặc ít nhất là
không được tham gia như những người mà tiếng mẹ đẻ chính là tiếng nói
của đa số cầm quyền. Và khi anh ta xuất hiện trước quan tòa hay bất kì
quan chức hành chính nào khác, trong vai người thỉnh cầu hay kiến nghị, là
anh ta đứng trước những người có tư tưởng chính trị xa lạ vì những tư
tưởng đó đã phát triển dưới sự tác động của những tư tưởng hoàn toàn khác
lạ với anh ta.
Bên cạnh những điều đó, ngay cả việc người thiểu số phải sử dụng ngôn
ngữ xa lạ với mình, khi đứng trước quan tòa hay quan chức hành chính, đã
làm cho anh ta chịu nhiều thua thiệt. Giữa người có thể nói trực tiếp với
quan tòa và người phải sử dụng phiên dịch đã là sự khác biệt một trời một
vực. Ở đâu người thiểu số cũng cảm thấy rằng mình là người xa lạ, và dù
lời văn của pháp luật có phủ nhận điều đó thì họ cũng chỉ là công dân loại
hai mà thôi.