Thuật ngữ "chủ nghĩa đế quốc" được sử dụng lần đầu tiên chính là để
nói về chính sách mở mang lãnh thổ thời hiện đại của nước Anh. Chắc chắn
là ban đầu, chủ nghĩa đế quốc tại nước Anh không chú tâm nhiều vào việc
sáp nhập những vùng lãnh thổ mới bằng việc thiết lập khu vực chính sách
thương mại thống nhất trên tất cả những vùng thuộc quyền cai trị của hoàng
đế Anh. Đấy là kết quả của một tình thế khác thường mà Anh quốc, một
nước có nhiều thuộc địa nhất, đã lâm vào. Tuy nhiên, mục tiêu mà những
thực dân người Anh nhắm tới trong việc thành lập hiệp định chung về thuế
quan, bao gồm cả các nước thuộc địa lẫn chính quốc cũng là mục tiêu của
những cuộc xâm chiếm thuộc địa của Đức, Ý, Pháp, Bỉ và những nước châu
Âu khác, tức là thiết lập những thị trường xuất khẩu độc quyền.
Chủ nghĩa đế quốc không đạt được những mục đích thương mại mà nó
nhắm đến. Giấc mơ về việc thành lập hiệp định chung về thuế quan trên tất
cả những vùng lãnh thổ do Anh quốc cai trị đã không trở thành hiện thực.
Những vùng lãnh thổ mà các nước châu Âu sáp nhập trong vài chục năm
vừa qua, cũng như những vùng đất mà họ được "nhượng quyền" trước đây,
đóng vai trò thứ yếu trong việc cung cấp nguyên vật liệu, bán thành phẩm
và tiêu thụ sản phẩm cho thị trường thế giới, cho nên những biện pháp như
thế không thể tạo ra những thay đổi mang tính quyết định đối với quá trình
sản xuất và giao thương. Mục tiêu của chủ nghĩa đế quốc không chỉ là
chiếm các vùng đất của những dân tộc còn hoang sơ, không đủ sức kháng
cự, mà còn phải chiếm cả những vùng đất của những dân tộc sẵn sàng và đủ
sức kháng cự nữa. Chính sách của chủ nghĩa đế quốc đã và chẳng bao lâu
nữa sẽ thất bại. Chủ nghĩa đế quốc đang rút lui hoặc đang lâm vào hoàn
cảnh cực kì khó khăn ở Abyssina, Mexico, Caucasus, Persia, và Trung
Quốc v.v.
6. Chính sách thuộc địa