chuyển sang chế độ bảo hộ, bằng cách áp dụng thuế nhập khẩu nhằm bảo vệ
nền nông nghiệp và công nghiệp Đức khỏi những người cạnh tranh ngoại
quốc. Nhờ biểu thuế có tính chất bảo hộ như thế mà nông nghiệp Đức mới
phần nào đứng vững được trước sự cạnh tranh của những trang trại ở Đông
Âu và hải ngoại có đất đai màu mỡ hơn, và nền công nghiệp Đức có thể tạo
ra những tập đoàn độc quyền nhằm giữ giá bán trong nước cao hơn trên thị
trường thế giới, và dùng lợi nhuận đó để bù lỗ cho những món hàng xuất
khẩu mà họ sẽ bán với giá thấp hơn của những công ty cạnh tranh ngoại
quốc.
Nhưng mục đích mà người ta đặt ra khi quay trở lại với chủ nghĩa bảo
hộ thì sẽ chẳng bao giờ đạt được. Giá thành sản xuất và giá sinh hoạt càng
cao - đấy là hậu quả trực tiếp của những biểu thuế mang tính chất bảo hộ -
thì việc buôn bán của họ càng gặp nhiều khó khăn hơn. Chắc chắn là Đức
đã có điều kiện tạo ra một cú tăng trưởng đột biến về công nghiệp trong ba
thập niên đầu của thời kì chính sách thương mại mới. Nhưng cú nhảy này
vẫn có thể xảy ra mà không cần áp dụng biểu thuế bảo hộ như thế vì đấy
chủ yếu là do người ta đã áp dụng những phương pháp sản xuất mới trong
ngành sản xuất gang thép và công nghiệp hóa học, tạo điều kiện cho việc sử
dụng một cách hiệu quả hơn nguồn lực tự nhiên mà Đức có thừa.
Chính sách bài chủ nghĩa tự do, cấm đoán việc luân chuyển lao động
giữa các nước, và ngăn cản đáng kể việc luân chuyển đồng vốn, đã xóa đi
phần nào sự khác biệt về điều kiện trong thương mại quốc tế giữa thời kì
đầu với thời kì cuối thế kỉ XIX, và quay lại với những điều kiện từng giữ
thế thượng phong khi học thuyết về thương mại tự do mới hình thành. Một
lần nữa vốn, và trước hết là lao động, đã không còn được tự do luân chuyển.
Trong những điều kiện hiện nay, việc buôn bán một cách tự do hàng hóa
tiêu dùng không thể làm cho phong trào di dân tăng lên một cách đáng kể.
Một lần nữa, kết quả sẽ lại là từng dân tộc sẽ tham gia vào những lĩnh vực
và những ngành sản xuất mà nước họ có điều kiện sản xuất tương đối thuận
lợi hơn.