Dẫn Nhập
1. Chủ nghĩa tự do
Các nhà triết học, xã hội học và kinh tế học thế kỷ XVIII và đầu thế kỉ
XIX đã trình bày có hệ thống một cương lĩnh chính trị, dùng làm kim chỉ
nam cho chính sách xã hội, đầu tiên là ở Anh và Mĩ, sau đó là trên toàn lục
địa châu Âu, và cuối cùng lan rộng ra tất cả những khu vực có người ở trên
thế giới. Song nó chưa được thực hiện một cách trọn vẹn ở bất cứ đâu.
Ngay cả ở Anh, đất nước được coi là quê hương của chủ nghĩa tự do và là
đất nước tự do mẫu mực, những môn đệ của chính sách tự do cũng chưa
bao giờ thực hiện được tất cả các đòi hỏi của mình. Ở những nước còn lại,
chỉ một phần cương lĩnh tự do được chấp nhận, còn những phần khác, vốn
có ý nghĩa không kém, hoặc bị từ chối ngay từ đầu hoặc là bị từ bỏ sau một
thời gian áp dụng. Phải có một chút cường điệu thì ai đó mới có thể nói
rằng thế giới đã từng trải qua thời đại tự do. Chủ nghĩa tự do chưa bao giờ
được hưởng thành quả trọn vẹn.
Mặc dù chủ giữ thế thượng phong trong những giai đoạn ngắn ngủi và
trong những khu vực hạn chế, những tư tưởng tự do cũng đủ sức làm thay
đổi toàn bộ bộ mặt của thế giới. Kinh tế đã phát triển vượt bậc. Việc giải
phóng sức lao động đã nâng mức sống của con người lên gấp mấy lần trước
đây. Trước chiến tranh [Thế chiến I] (chính cuộc chiến này cũng là kết quả
của cuộc đấu tranh khốc liệt và lâu dài nhằm chống lại các tư tưởng tự do
và báo hiệu những cuộc tấn công còn khốc liệt hơn vào những nguyện lí của
tự do), thế giới đã có mật độ dân cư cao chưa từng thấy. Sự thịnh vượng mà
chủ nghĩa tự do tạo ra đã làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, một
tai họa khủng khiếp của những thời đại trước, và việc cải thiện điều kiện
sống đã dẫn đến kết quả là tuổi thọ trung bình của người dân đã tăng lên.