phẩm ngắn gọn bàn về bản chất của học thuyết này. Đó có thể là lí do chính
đáng cho việc ra đời tác phẩm mà bạn đọc đang cầm trên tay.
2. Phúc lợi vật chất
Chủ nghĩa tự do là học thuyết nói về hành vi của con người trong thế
giới này. Nói cho cùng, nó không có mục đích nào khác ngoài việc gia tăng
phúc lợi về mặt vật chất của con người; nó không quan tâm đến những nhu
cầu nội tâm, tinh thần và siêu hình học của con người. Nó không hứa hẹn
mang đến cho con người hạnh phúc hay an lạc, nó chỉ mang đến sự thỏa
mãn tối đa những ước muốn [có thể thỏa mãn được] bằng vật chất của thế
giới ngoại tại mà thôi.
Thái độ hoàn toàn mang tính vật chất và ngoại tại của chủ nghĩa tự do
đối với tất cả những gì được coi là trần tục và phù du thường bị phê phán.
Cuộc đời con người, như người ta vẫn nói, đâu chỉ có ăn uống. Có nhu cầu
cao cả và quan trọng hơn thức ăn, nhà ở và quần áo mặc. Ngay cả những
kho đụn [chứa của cải] lớn nhất thế giới cũng không đem lại cho con người
hạnh phúc; chúng chỉ làm cho tâm hồn con người bất an và trống rỗng mà
thôi. Sai lầm lớn nhất của chủ nghĩa tự do là không cung cấp cho con người
những khát vọng cao quý và sâu sắc hơn.
Nhưng những người nói như thế chỉ chứng tỏ rằng họ có một quan điểm
rất không đúng và hoàn toàn mang tính vật chất về những nhu cầu sâu sắc
và cao quý đó. Chính sách xã hội, với những phương tiện mà nó nắm trong
tay, chỉ có thể làm cho con người trở nên giàu hay nghèo, chứ không bao
giờ có thể làm cho họ hạnh phúc hay thỏa mãn được những khao khát nội
tâm. Trong lĩnh vực này, tất cả các phương tiện vật chất đều là con số
không. Tất cả các chính sách xã hội đều chỉ có thể làm được một điều, đấy
là loại bỏ những nguyên nhân đau khổ bên ngoài. Nó có thể thúc đẩy cái hệ
thống cung cấp thức ăn cho người đói, quần áo cho người thiếu mặc, nhà ở
cho kẻ vô gia cư. Còn hạnh phúc và an lạc lại không phụ thuộc vào thức ăn,