quần áo và nhà ở; mà trên hết, phụ thuộc vào những gì người ta ấp ủ trong
lòng. Chủ nghĩa tự do chỉ quan tâm tới sự thịnh vượng về mặt vật chất của
con người không phải bởi nó coi thường những đòi hỏi về mặt tinh thần mà
vì nó tin rằng phương tiện bên ngoài không thể nào đụng chạm đến được
những điều sâu sắc và cao cả nhất trong tâm hồn con người. Nó tìm cách để
tạo ra sự thịnh vượng về mặt vật chất vì biết rằng kho báu tâm hồn, kho báu
nội tâm của con người chỉ có thể xuất phát từ trái tim. Nó không có mục
đích nào khác ngoài việc tạo ra tiền đề ngoại tại cho việc phát triển đời sống
tinh thần của con người. Và không nghi ngờ gì rằng một người tương đối
phát đạt trong thế kỷ XX có thể dễ dàng thỏa mãn những đòi hỏi về mặt
tinh thần hơn một người sống trong thế kỉ X, tức là một người luôn phải lo
tìm cái ăn để sống hoặc thoát được sự đe dọa của kẻ thù.
Dĩ nhiên là nếu những người, chẳng hạn thuộc các giáo phái châu Á và
Thiên Chúa thời Trung cổ, theo đuổi dòng tu khổ hạnh và những người theo
lý tưởng chấp nhận nghèo khổ nhưng được tự do như chim trời hay cá biển
phê phán thái độ của chủ nghĩa tự do thì chúng ta chịu, không thể nào trả
lời. Chúng ta chỉ có thể xin họ cho chúng ta đường ai nấy đi, cũng như
chúng ta sẽ không cản trở họ tìm kiếm thiên đường theo cách của họ, cứ để
họ sống thanh bình trong những cái am nhỏ, cách biệt với thế giới của đồng
loại.
Tuyệt đại đa số những người cùng thời với chúng ta đều không chấp
nhận lý tưởng khổ hạnh. Nhưng khi đã không chấp nhận sống cuộc đời khổ
hạnh thì cũng không được phê phán chủ nghĩa tự do vì nó chỉ nhắm đến
mục tiêu vật chất bên ngoài.
3. Chủ nghĩa duy lí
Chủ nghĩa tự do còn bị phê phán là duy lí nữa. Nó muốn điều chỉnh mọi
thứ trên đời một cách duy lí, và như vậy nó không công nhận rằng trong