các nhà tư sản sẽ nhận được những quyền lợi đặc biệt khi họ ủng hộ chủ
nghĩa tự do. Họ cũng chỉ có quyền lợi giống như những người khác mà thôi.
Có thể, trong một số trường hợp, một số doanh nhân hay nhà tư sản đã tìm
cách "nhồi nhét" quyền lợi đặc thù của mình vào cương lĩnh của chủ nghĩa
tự do, nhưng những quyền lợi đặc thù này sẽ gặp phải sự chống đối của
những quyền lợi đặc thù của những doanh nhân khác hay các nhà tư sản
khác. Vấn đề hoàn toàn không đơn giản như tưởng tượng của những kẻ ở
đâu cũng đánh hơi thấy "quyền lợi" và "nhóm lợi ích". Ví dụ như việc nhà
nước đặt ra thuế nhập khẩu sắt thép không thể giải thích "một cách đơn
giản" là nó mang lại lợi nhuận cho các tập đoàn sắt thép. Trong một quốc
gia bao giờ cũng có những người có quyền lợi ngược lại, thậm chí ngay cả
trong giới doanh nhân với nhau; và dù thế nào thì số người được lợi do thuế
nhập khẩu sắt thép mang lại cũng là không đáng kể và ngày càng ít đi. Hối
lộ có thể là lời giải thích rằng người nhận hối lộ cũng chỉ là nhóm thiểu số
và ngoài ra, tại sao chỉ có một nhóm những người muốn bảo hộ đút lót mà
không phải những người phản đối bảo hộ, những người ủng hộ tự do
thương mại, đút lót?
Trên thực tế, không phải những "nhóm quyền lợi" hay những người ăn
đút lót của họ tạo ra hệ tư tưởng ủng hộ những sắc thuế mang tính bảo hộ
mà chính những nhà tư tưởng, những người đưa ra những ý tưởng điều
khiển toàn bộ công việc của nhân loại, đã đưa ra những ý tưởng này. Trong
thời đại của chúng ta, khi mà những tư tưởng phản tự do đang giữ thế
thượng phong thì hầu như mọi người đều nghĩ thế, cũng như cách đây một
trăm năm, đa số đã tư duy bằng những thuật ngữ của hệ tư tưởng tự do lúc
đó đang giữ thế thượng phong. Nếu hiện nay có nhiều doanh nhân ủng hộ
những sắc thuế có tính bảo hộ thì đó chính là hình thức cụ thể của chủ nghĩa
bài tự do. Đấy không phải là chủ nghĩa tự do.
6. Cội nguồn tâm lí của việc bài chủ nghĩa tự do