riêng để đưa ta tới những hiểu biết một cách có hệ thống và đúng đắn về
những căn bệnh thần kinh như thế.
Trong cả triệu người chưa chắc đã có một người thực hiện được tham
vọng của đời mình. Thành quả lao động của một người, ngay cả một người
được số phận mỉm cười, cũng còn cách xa với những ước mơ của tuổi thanh
niên. Hàng ngàn trở ngại đã làm tiêu tán mọi kế hoạch và ước mơ, con
người hóa ra là không đủ sức thực hiện những mục tiêu mà họ hướng tới.
Mộng ước không thành, kế hoạch tan vỡ, lực bất tòng tâm - đấy là những
kinh nghiệm cay đắng nhất của mỗi người. Nhưng cũng là số phận của con
người nói chung.
Có hai cách phản ứng. Goethe đã dùng trí tuệ thực tiễn để nói về một
trong hai cách đó như sau:
Ngươi có tưởng tượng được rằng ta phải căm thù cuộc đời,
Phải chạy vào đồng vắng.
Vì không phải mọi ước mơ của ta đều đơm hoa kết trái?
- Prometheus gào lên. Còn Faust, trong "thời khắc cao quý nhất" ấy, đã
nhận ra rằng "câu nói khôn ngoan nhất" chính là:
Người mỗi ngày không chiến đấu cho tự do và cho cuộc đời,
Thì cũng chẳng đáng sống và cũng chẳng đáng được tự do.
Không có rủi ro nào trên đời có thể bẻ gãy được một người có ý chí và
tinh thần như thế. Người chấp nhận cuộc đời như nó vốn là và không bao
giờ để cho nó đè bẹp, sẽ không tìm an ủi trong "những lời dối trá có tính
chất cứu rỗi" làm chỗ dựa cho niềm tin đã tan nát của mình. Nếu thành công
được chờ đợi từ lâu vẫn không tới, nếu những thăng trầm của số mệnh có
phá hoại tan tành trong phút chốc những thành quả được xây đắp bằng
nhiều năm lao động chuyên cần thì người đó sẽ chỉ càng quyết tâm hơn mà
thôi. Người đó có thể nhìn thẳng vào tai họa mà không hề tỏ ra tuyệt vọng.