Nhiệm vụ của tác phẩm này là thảo luận vấn đề hợp tác xã hội bằng
những luận cứ dựa trên lí tính. Nhưng dùng lí tính thì không thể hiểu được
cội nguồn của thái độ bài bác tự do. Thái độ bài bác xuất phát không phải từ
lí tính mà từ cách tư duy bệnh hoạn - từ sự oán hận và bệnh suy nhược thần
kinh, có thể gọi là phức cảm Fourier (tên một người xã hội chủ nghĩa Pháp -
ND).
Chẳng cần nói nhiều về sự oán hận hay ghen tức. Oán hận là khi một
người nào đó căm thù người khác chỉ vì người kia có hoàn cảnh thuận lợi
hơn, hắn ta sẵn sàng chấp nhận tổn thất nếu người mà hắn căm thù cũng bị
thiệt hại. Nhiều kẻ đang tấn công chủ nghĩa tư bản biết rõ ràng dù với hệ
thống kinh tế nào thì họ cũng chẳng thể khá lên được. Tuy biết rõ như thế
nhưng họ vẫn ủng hộ cải cách, nghĩa là ủng hộ chủ nghĩa xã hội, vì họ hi
vọng rằng những người giàu có mà họ căm thù cũng sẽ phải chịu đau khổ.
Những người xã hội chủ nghĩa cứ nhắc đi nhắc lại rằng trong chế độ xã hội
chủ nghĩa, người ta sẽ chịu đựng những thiếu thốn về mặt vật chất một cách
dễ dàng hơn vì mọi người đều biết rằng không có ai sướng hơn ai.
Nhưng vẫn có thể dùng lí lẽ để thuyết phục được người có tư tưởng oán
hận. Vì giải thích cho người có tư tưởng oán hận rằng điều quan trọng
không phải là làm cho người khá giả nghèo đi mà là làm cho mình khá lên
không phải là công việc quá khó.
Phức cảm Fourier là ca bệnh khó hơn rất nhiều. Đây là một căn bệnh
thần kinh, gọi là loạn thần kinh chức năng, lĩnh vực của nhà tâm lí học chứ
không phải của nhà lập pháp. Nhưng trong khi nghiên cứu các vấn đề của
xã hội hiện đại ta cũng không được bỏ qua. Đáng tiếc là cho đến nay, các
bác sĩ đã không quan tâm tới những vấn đề do phức cảm Fourier gây ra.
Thậm chí Freud, một nhà tâm lí học vĩ đại, và các môn đệ của ông trong
lĩnh vực lí thuyết loạn thần kinh chức năng cũng chưa quan tâm nhiều đến
những vấn đề này, mặc dù môn phân tâm học của ông đã mở ra con đường